Đầu tháng 6/2021, tỉnh Sơn La chính thức ra mắt thương hiệu “mận hậu Ruby Sơn La” với mong muốn tạo một vị thế mới cho trái mận, cũng như nông sản đặc trưng của tỉnh.
Những trái mận hậu Ruby Sơn La được tuyển chọn và phân phối bởi các chuyên gia của Mia Fruit – một doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. Các vườn mận hậu Ruby Sơn La do Mia Fruit tuyển chọn cho trái lớn, tròn, đồng đều, dao động từ 18-25 trái/kg. Màu đỏ xanh hòa quyện hài hòa trên vỏ mỏng, tạo ra nét đặc trưng dễ nhận biết. Cứ 100 trái mận được trồng tại Sơn La thì chỉ có 5 trái mận hậu Ruby được tuyển lựa.
Sơn La luôn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản |
Cùng với trái mận hậu, tháng 7/2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “nhãn Sơn La” cho sản phẩm quả nhãn tươi và long nhãn của tỉnh. Trước đây, chỉ có nhãn Sông Mã với sản phẩm nhãn quả tươi và long nhãn đã xây dựng thương hiệu và có hệ thống bao bì, nhãn mác riêng. Còn lại nhãn ở các địa phương khác thường được bán dưới tên địa danh của các vùng, như nhãn Mộc Châu, nhãn Yên Châu, nhãn Mai Sơn... hoặc được bán chung với các loại hoa quả khác và lấy tên chung theo tên địa danh từng huyện. Vì vậy, đây được đánh giá là động lực để người trồng nhãn, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, đưa nhãn Sơn La chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017 (đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài).
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị và uy tín hàng hóa địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Sơn La đã triển khai 20 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh. Trong đó, có 20 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, nâng số lượng sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ toàn tỉnh là 24; trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài. Cụ thể, 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 18 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Sơn La. Theo Hội Cà phê tỉnh Sơn La, với hướng tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đã giúp cà phê Sơn La đạt được những thành công nhất định. Đến nay, sản phẩm đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới với kim ngạch tăng trưởng ổn định.
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - khẳng định, tỉnh hướng tới mục tiêu đầu tư nâng cấp quy trình sản xuất, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp với tầm nhìn, mục tiêu đưa nông sản Sơn La vươn xa chứ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.
Từ năm 2017 đến nay, bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Sơn La đã triển khai 20 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh. |