Lễ khai giảng đặc biệt ở Trường Sa CHÙM ẢNH: Học sinh Hà Nội náo nức ngày khai giảng Thủ tướng dự lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu |
Nếu có một ngày nào đó thực sự có được sự trong trẻo của tâm hồn với mọi người, hẳn đó là ngày khai giảng, cũng là ngày đầu tiên bước vào một năm học mới.
Đó là ngày mà hàng chục triệu học sinh cả nước ở mọi miền, mọi vùng cả nước háo hức chờ mong trong tâm thế bước vào một thời gian, một không gian của những điều mới lạ. Cùng đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với hàng triệu nhà giáo cả nước khi lại chộn rộn với công việc mới đầy thiêng liêng, đầy trân quý cho dẫu biết rằng, sẽ là vất vả và sẽ còn những khó khăn ở phía trước.
Thật kỳ lạ, thật hạnh phúc là khi có một niềm vui được chia sẻ giữa hàng triệu con người đủ mọi lứa tuổi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn của một buổi khai giảng, có thể đông đến hàng ngàn giữa một đô thị lớn hay thậm chí chỉ vài chục học sinh, thầy cô ở một điểm trường rẻo cao hay nơi đảo nhỏ thân thương giữa muôn trùng khơi của Tổ quốc.
Các em học sinh hân hoan trong ngày khai giảng. Ảnh: Đỗ Nga |
Tôi vẫn giữ một thói quen là cứ vào ngày khai giảng để trở lại mái trường xưa nơi đã chứng kiến những năm tháng đầu tiên của đời học sinh trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, lặng lẽ ngắm nhìn những cô cậu lần đầu tiên là học sinh, để được thấy lại mình, dù thời gian đã nhiều năm trôi qua. Vẫn mái trường đó, dù kiến trúc giờ đã khác xưa nhiều, vẫn những mùi hương thoang thoảng của cây hoàng lan già xù xì xế cổng trường.
Những bạn học xưa giờ phần nhiều chỉ còn gặp lại được nhau trên Facebook, Zalo với những dòng tâm sự vội vã. Thế mà ngày xưa dù khi còn chưa có cái khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, lũ bạn học chúng tôi như biết trân trọng một cách vô thức những khoảng thời gian đến trường, bên bạn, bên thày cô để mà đi học thật sớm, tan học rồi nhẩn nha ở sân trường chưa về ngay. Rồi ngoắc tay nhau “mai lại đi học nhé”.
Một thời đi học cùng chiếc lọ mực tím, những cây bút ngòi no căng mực, cùng cái không khí im phăng phắc trong giờ học, hay vỡ oà giờ ra chơi. Lại có cả những quãng thời gian tạm xa mái trường để đi sơ tán về một nẻo quê đâu đó ngoài Hà Nội, lớp học là ở đình làng, những chiếc mũ rơm, tiếng kẻng thay cho tiếng trống quen thuộc. Ôi những ký ức ấy mới xanh biếc, mới trong trẻo làm sao, quên gì thì quên chứ những năm tháng ấy có bao giờ quên được. Như mới chỉ là hôm qua.
Cũng lại là một ngày khai giảng 5/9 cách đây đã 79 năm, năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh cả nước. Thật kỳ lạ, thư của vị Chủ tịch nước, vị nguyên thủ quốc gia vô cùng kính yêu của đất nước gửi cho học sinh lại thủ thỉ như của một người anh trong gia đình nói với đàn em thân yêu. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đó là những lời dặn bất hủ của một người chỉ xem mình như “một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”.
Đọc lại bức thư đầy ý nghĩa ấy, bỗng chợt nhận ra rằng, đất nước luôn luôn kỳ vọng ở những người hôm nay còn là cô cậu học sinh vô tư và trong sáng mà thời gian sẽ trôi đi thật nhanh để có thể điền tên mình vào danh sách các nhà lãnh đạo, nhà kỹ trị, nhà quản lý, doanh nhân, chiến sĩ đồng hành cho tương lai, tiền đồ mới của đất nước.
Hàng triệu học sinh, nhà giáo trên mọi miền cả nước đã có một ngày khai giảng tràn ngập niềm vui |
Sự kỳ vọng ấy luôn được làm mới, được chia sẻ mỗi dịp ngày khai giảng đến. Hoá ra phía sau động thái cắp sách đến trường của mỗi học sinh ngày ngày là cả tương lai của một đất nước. Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein đã nói hộ chúng ta điều đó trong cuốn sách nổi tiếng “Thế giới như tôi thấy” khi ông viết, “mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được”.
Phía trước hàng triệu học sinh, hàng triệu nhà giáo là một năm học với bao khát vọng, bao lao động. Còn không ít những khó khăn, bất cập còn phải giải quyết. Nhưng chắc hẳn chúng ta đều đồng ý với nhau rằng, hãy để năm học mới luôn là niềm kỳ vọng.
Đó là sự kỳ vọng của mỗi học sinh, mỗi thầy cô và lớn hơn là kỳ vọng của cả đất nước.