Tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2024 tại Italia, phát biểu tham luận và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hợp tác công nghiệp với các nước châu Âu, ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Luyện kim, hoá chất, cơ khí chế tạo, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... Do vậy, cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Âu là rất lớn.
Ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) phát biểu tham luận và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hợp tác công nghiệp với các nước châu Âu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu |
Thứ nhất, tại Quyết định 2795/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chiến lược Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Chiến lược này tập trung: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên, nâng cao năng suất chất lượng… trở thành định hướng xuyên suốt cho công tác tổ chức, hướng dẫn triển khai các hoạt động của Bộ gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược là cần ưu tiên các nhiệm vụ làm chủ công nghệ các thiết bị, dây chuyền thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực công nghiệp.
Đối với ngành cơ khí chế tạo hiện nay có một số dây chuyền thiết bị trong một số ngành công nghiệp cần được quan tâm nghiên cứu để làm chủ công nghệ, đặc biệt trong việc thiết kế như: trong năng lượng (bao gồm: điện khí, điện gió, điện rác, điện mặt trời); trong khai thác và chế biến khoáng sản; trong công nghệ và thiết bị khai thác và chế biến đất hiếm; trong sản xuất nguyên vật liệu...
Ví dụ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, công nghệ phao và neo cho các cột điện gió là khâu quan trọng cần được phát triển.
Song theo Viện trưởng Phan Đăng Phong, việc thực hiện các gói thầu thiết kế và cung cấp thiết bị cho các lĩnh vực trên hầu hết được thực hiện bởi các nhà thầu nước ngoài, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ tham gia vào một số công đoạn theo thiết kế của nước ngoài với giá thành rẻ như chế tạo kết cấu, xây lắp... Do vậy, hiện nay, viện Narime và các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang đẩy nhanh việc nghiên cứu, tiếp thu và làm chủ một số công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị trên hướng tới tự lực trong thiết kế chế tạo từ đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho ngành cơ khí.
“Các công nghệ này cần các đối tác tại châu Âu; doanh nghiệp châu Âu có tiềm lực và đều đang sở hữu những yếu tố Việt Nam cần” - Viện trưởng Phan Đăng Phong nhận định và mong muốn, thông qua Hội nghị rất cần sự hỗ trợ của các Thương vụ trong việc tìm kiếm thông tin doanh nghiệp cũng như xác thực các thông tin do các doanh nghiệp tại nước ngoài cung cấp trước khi ký kết hợp tác nhẵm tránh rủi ro.
Thứ hai, để tham gia vào chuỗi xuất nhập khẩu các thiết bị, linh kiện ngành cơ khi trên toàn cầu, việc thành lập một trung tâm đủ năng lực để cấp chứng chỉ sản phẩm cơ khí được chế tạo từ nguồn năng lượng sạch là rất quan trọng. Thời gian vừa qua Viện Nghiên cứu cơ khí đã hợp tác với một số đối tác đến từ Đức trong việc sản xuất, cung cấp một số linh kiện để họ lắp ráp vào thiết bị của họ rồi bán sang nước thứ ba. Trước khi ký hợp đồng họ đã đề nghị Việt Nam khai báo và cam kết sản phẩm sản xuất ra phải được thực hiện từ nguồn năng lượng sạch theo một tỷ lệ nhất định. Song, hiện nay chúng ta chưa có các trung tâm để kiểm định, cấp chứng chỉ cho các sản phẩm cơ khí trong lĩnh vực này và sẽ là rào cản lớn nếu muốn xuất khẩu các thiết bị vào châu Âu trong thời gian tới.
Do vậy, việc thành lập một trung tâm đủ năng lực để cấp chứng chỉ sản phẩm cơ khí được chế tạo từ nguồn năng lượng sạch là rất cần thiết. “Việc này chúng tôi đề xuất sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ để tìm kiếm đối tác là các tổ chức, chuyên gia nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để hợp tác với Việt Nam để thực hiện trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng đề nghị các Thương vụ tại châu Âu hỗ trợ tìm kiếm thông tin liên quan đến các tổ chức, cá nhân để hợp tác nhằm đẩy nhanh tiến trình” - Viện trưởng Phan Đăng Phong đề xuất.