Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn
Việt Nam có gần 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch được thành lập mới tại Việt Nam và mở rộng quy mô rất nhanh.
Quang cảnh Hội nghị. |
Ngày 11/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội SEMI Đông Nam Á(SEMI SEA) phối hợp Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh (HSIA), Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á".
Hội nghị nhằm trao đổi, tìm hiểu cơ hội tăng trưởng trong ngành bán dẫn của Việt Nam và trên toàn hệ sinh thái điện tử Đông Nam Á. Đồng thời, cũng là dịp chia sẻ quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực, các chính sách đầu tư của Chính phủ, các sáng kiến phát triển tài năng và xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam.
Ông Karen Leo, Phó Giám đốc điều hành Singapore Global Network nhấn mạnh, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong khi đó, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á nhận định, Việt Nam là một thị trường mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam góp thêm vào tầm nhìn của Hiệp hội SEMI Đông Nam Á, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội ngh |
Theo thống kê, hiện Việt Nam có gần 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch được thành lập mới và mở rộng quy mô rất nhanh và TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, khẳng định, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong hệ bán dẫn tại Việt Nam và trên toàn Đông Nam Á. Sứ mệnh của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là xây dựng nền tảng cho các ngành công nghệ cao và bán dẫn là một trong những ngành ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển.
Để thúc đẩy ngành bán dẫn, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm, lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Qua đó, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tham gia các công đoạn sản xuất từ thấp đến cao với các nước sản xuất chíp, có thể tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu sản xuất chip từ việc hợp tác khai thác các nguồn nguyên vật liệu tiềm năng.
Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng, để trở thành một trung tâm sản xuất vi mạch bán dẫn mới nổi, Chính phủ Việt Nam cần bảo đảm cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và tiếp tục cập nhật khung pháp lý để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học, doanh nghiệp... cũng trao đổi, bàn luận các nội dung xu thế phát triển, những thách thức và cơ hội của ngành vi mạch bán dẫn của thế giới và khu vực; xây dựng mối quan hệ, hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á... để tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới.
Trong khuôn khổ 2 ngày (ngày 10 và 11/11) diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham quan các cơ sở và một số nhà máy tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; tham quan Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.