Việt Nam có thể thành trung tâm sản xuất dệt may thế giới
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Công ty CP may Bình Minh - Ảnh: T.V.N |
Theo ông Lê Tiến Trường, Việt Nam đang có ngành dệt may quy mô lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số đã chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới là khá tốt và có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới.
Theo ông Trường, để thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới, một ngành công nghiệp cần có khả năng cung ứng 10% trở lên nhu cầu của thế giới, có khả năng phát triển bền vững trong 20-30 năm, có chuỗi cung ứng và khả năng cung cấp nội tại 50-60% lượng nguyên phụ liệu, có thị trường trong nước quy mô đủ lớn, có hệ thống cảng biển thuận lợi cho xuất khẩu, cạnh tranh về thời gian giao hàng…
Đối chiếu với các điều kiện trên, ông Lê Tiến Trường khẳng định, Việt Nam đã đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm dệt may của thế giới, do: việc ngành dệt may sẽ thu dụng thêm 5 triệu lao động trong 10-15 năm tới là khả thi; chuỗi cung ứng trong nước đã cung cấp được 35% nguyên liệu cho ngành dệt may và đủ khả năng tăng lên mức 50% trong 5 năm tới; Việt Nam cũng có thị trường quy mô 100 triệu dân, đặc biệt là thuận lợi cho xuất khẩu đường biển…
Tuy nhiên, để thành trung tâm dệt may thế giới, ông Lê Tiến Trường kiến nghị Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, tăng tỉ lệ nội địa hóa đến năm 2020 đạt 60%, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư và thu hút đầu tư để Việt Nam có 10-15 trung tâm sản xuất nguyên liệu cũng như thiết kế, cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may phân tán đến cấp huyện trên cả nước…
Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, thuế, hải quan…