Thứ hai 23/12/2024 21:53

Văn hóa - Nhân tố đảm bảo cho phát triển bền vững

Văn hóa chính là nguồn tài nguyên đặc biệt, nguồn tài nguyên vô tận, càng khai thác càng phát triển.

Đó là nhận định của GS. TSKH Vũ Minh Giang, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về khía cạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người – một điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội lần thứ XII sắp diễn ra.

GS. TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP/Phương Liên

Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với sự phát triển văn hóa, phát triển xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tuy nhiên, so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng. Xin Giáo sư phân tích những nguyên nhân gây ra những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa và xây dựng con người.

GS. TSKH Vũ Minh Giang: Một trong những nguyên nhân rất cơ bản là nhận thức về vai trò của văn hóa. Văn hóa có thể theo nghĩa rộng mà Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) đang cổ súy, quảng bá, khuyến khích các dân tộc nhận thức văn hóa theo nghĩa “Văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra vì mục tiêu tồn tại và phát triển”. Trong bối cảnh đó, văn hóa được coi là nền tảng của sự phát triển. Những sáng tạo trong chính trị, trong kinh tế, trong lối sống… đều được coi là văn hóa. Nếu nhận thức theo ý nghĩa này, Việt Nam còn hơi chậm so với nhiều quốc gia. Vì vậy, văn hóa thường được dồn hiểu theo nghĩa là một lĩnh vực hoạt động, không được ưu tiên bằng những lĩnh vực được coi là quan trọng khác. Ví dụ như tăng trưởng kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước v.v... Chính vì vậy, văn hóa chỉ được coi là một lĩnh vực do Bộ VHTT&DL quản lý, chỉ được tạo điều kiện, chỉ được sự hỗ trợ từ Nhà nước cho đến các cơ quan có trách nhiệm trong khuôn khổ một lĩnh vực.

Như vậy, hạn chế đầu tiên là do nhận thức. Hạn chế thứ hai là do có một sự lệch pha chưa đồng bộ giữa quản lý Nhà nước và hoạt động của xã hội, của nhân dân. Tôi nghĩ văn hóa là thuộc về nhân dân, vì vậy dù chính quyền quan tâm đến đâu, đánh giá nó thế nào thì nó vẫn sống trong lòng dân, có những sự phát triển một cách tự nhiên như suốt hàng nghìn năm nay, trải qua bao nhiêu thế hệ.

Hiện nay có tình trạng lệch pha. Ví dụ như nhân dân có những nhu cầu về đời sống tinh thần, thậm chí có những nhu cầu thiên về đời sống tâm linh phát triển rất tự nhiên mà quản lý Nhà nước không theo kịp. Rồi những hoạt động văn hóa cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta lại chưa có sự quan tâm như tôi đã nói. Do đó xảy ra tình trạng như thiếu thốn cơ sở vật chất cho sự phát triển trên lĩnh vực này.

Và cuối cùng, điều này rất quan trọng: Một trong những nội dung có thể coi là nền tảng của văn hóa chính là con người. Con người được giáo dục thế nào, con người được dung dưỡng ra sao, con người ứng xử với nhau theo những chuẩn mực nào? Rõ ràng, trong một thời gian dài, từ giáo dục nhà trường đến giáo dục gia đình, chúng ta còn buông lỏng. Chúng ta đã nói tới nhu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Một trong những nội dung được coi là căn bản của đổi mới này chính là chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung, dạy những kiến thức cụ thể (Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa…) mà ở thời đại ngày nay không biết phải dạy bao nhiêu cho đủ vì sự phát triển như vũ bão với quá nhiều phương tiện tiếp cận, mà không có thời lượng cho việc dạy làm người. Do đó có sự thiếu hụt của nhận thức cuộc sống, nhận thức lối sống và hiểu biết ứng xử trong tất cả các mối quan hệ. Vì vậy có tình trạng ở đâu đó xã hội thiếu thốn những chuẩn mực văn hóa cần thiết.

Cuối cùng phải nói rằng, văn hóa là cái đầu tiên và có những giá trị lắng đọng, trường tồn. Vì vậy câu chuyện về chuẩn mực văn hóa thường thay đổi chậm so với sự phát triển trên các lĩnh vực khác. Chẳng hạn như khoa học-công nghệ chẳng chịu giới hạn bởi điều gì, nó luôn tìm tòi và hướng lên phía trước, bao giờ cũng có giá trị khai phá mở đường. Sau đó đến những ứng dụng khoa học-công nghệ, rồi từ đó mới thực hiện sản xuất. Dù kinh tế đã phát triển nhưng những chuẩn mực về kinh tế không thể thay đổi ngay được. Dường như điều mà chúng ta đang bàn ở đây là xã hội phát triển nhưng những chuẩn mực văn hóa của chúng ta không theo kịp, do đó khi chúng ta dùng chuẩn mực cũ để sắp xếp những trật tự mới, đánh giá những giá trị mới nên không thể tránh khỏi những phần chưa tương thích, tạo ra cảm giác cho mọi người về sự thiếu hụt văn hóa.

Trong thời gian tới, tất cả những sự thiếu hụt này, chúng ta phải có những giải pháp mạnh mẽ và khoa học để bù đắp.

Ông có thể cho biết chúng ta nên có những giải pháp mạnh mẽ và khoa học nào để xây dựng nền tảng văn hóa phải trở thành nền tảng của xã hội?

GS. TSKH Vũ Minh Giang: Tôi rất mừng khi Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI đã có một nghị quyết trong đó lần đầu tiên chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của sự phát triển của đất nước. Như vậy, trở lại câu chuyện khi tôi nói rằng nguyên nhân thiếu hụt văn hóa là do nhận thức về văn hóa. Dường như hạn chế này đã được khai thông trong một văn kiện có giá trị định hướng, giá trị lãnh đạo. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XII, tôi cũng thấy tinh thần đó được đưa vào, nhưng để biến nhận thức, chủ trương biến thành giải pháp là một chặng đường rất gian khổ và không hề dễ dàng. Với ý nghĩa đó, muốn khắc phục được cần phải có những giải pháp mạnh mẽ.

Không đơn giản chỉ là đầu tư cho nền văn hóa mà phải tác động có tính đồng bộ. Tôi lấy ví dụ, trung tâm của sáng tạo văn hóa là con người phải bắt đầu từ câu chuyện con người. Con người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường giáo dục. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì trước hết phải nâng cao mạnh mẽ văn hóa của người đi học. Hiện nay ta hiểu văn hóa đồng nghĩa với các môn học Toán, Lý, Hóa, Sinh… Văn hóa ở đây phải là nhận thức cuộc sống, hiểu biết về ứng xử, trách nhiệm với xã hội, với đất nước, với con người. Theo tôi, cần phải chú trọng hơn nữa giáo dục văn hóa trong gia đình trong thời đại ngày nay.

Cuối cùng, theo tôi, giải pháp rất quan trọng là luôn luôn phải có ý thức về văn hóa, không bao giờ nên coi văn hóa là cái chỉ để thêm vào, một thứ không được coi trọng như chính trị, kinh tế. Văn hóa phải là nền tảng của mọi lĩnh vực.

Một trong những phương hướng mà Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Vậy thì chúng ta phải có những bước đi, thực hiện sự quản lý, cũng như có cơ chế khuyến khích như thế nào với khái niệm thị trường văn hóa rất mới mẻ này?

GS. TSKH Vũ Minh Giang: Theo tôi, cần phải có sự kết hợp tham gia chặt chẽ và hành động quyết liệt giữa 3 “nhà”: Nhà quản lý-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp để phát triển thị trường văn hóa. Bởi vì cái gì cũng trông vào Nhà nước thì rất khó và trong tất cả các lĩnh vực xã hội hóa thì xã hội hóa văn hóa thực ra là dễ nhất.

Khi nói về khái niệm thị trường thì chúng ta trở lại với các khái niệm liên quan. Ở đây là khái niệm hàng hóa, đã nói đến thị trường nghĩa là nói đến hàng hóa. Hàng hóa ở đây là sản phẩm văn hóa. Rồi cùng với đó là một chuỗi các khái niệm liên quan đến thị trường văn hóa. Tuy nhiên, gốc của tất cả là việc phải coi văn hóa là một tài nguyên. Văn hóa chính là nguồn tài nguyên đặc biệt. Văn hóa là nguồn tài nguyên vô tận, càng khai thác nó càng phát triển. Đấy là một dạng tài nguyên tái tạo chứ không phải là tài nguyên phi tái tạo như các tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, than đá, gỗ…). Trong lịch sử, chưa bao giờ chúng ta đặt vấn đề văn hóa chính là tài nguyên cho nên đã sử dụng phung phí và để những người thiếu ý thức khai thác một cách tùy tiện.

Chúng ta phải biết cách khai thác tài nguyên văn hóa. Nói biết cách khai thác ở đây là hàm ý phải có thái độ trân trọng và phương thức khai thác dựa trên hiểu biết khoa học, tránh hiện tượng khai thác bừa bãi, vô trách nhiệm, không khác gì việc “khai thác than thổ phỉ” như đang diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều di sản. Cách làm này sẽ làm biến dạng văn hóa, phá hoại di sản và thậm chí làm tổn thương đến cả nền văn hóa.

Đã đến lúc chúng ta phải gióng hồi chuông cảnh báo: Nếu không quan tâm đến văn hóa sẽ là nguy cơ cho tương lai của cả một dân tộc. Phải nhận thức văn hóa chính là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo báo Chính phủ điện tử

Tin cùng chuyên mục

Báo Công Thương: Góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng

Làm chính sách xã hội, tuyệt đối không vì “lợi ích nhóm”

Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

Không tính được đầu ra, sản phẩm giáo dục “ế ẩm”?

Phát huy sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước

Thể chế hóa quyền dân chủ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra và phòng chống tham nhũng

Vì sao có cán bộ không dám nói 'tiếng dân'

Xây dựng con người - vấn đề quan trọng bậc nhất về văn hóa

Thông tin hội nhập là giải pháp quan trọng

Phát triển kinh tế biển, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo

'Phát huy sức mạnh toàn dân không chỉ kêu gọi, động viên một chiều'

Coi trọng, đổi mới công tác dân tộc

Cần có chiến lược cải thiện tầm vóc và thể trạng người Việt Nam

"Trẻ hóa cán bộ là cần thiết nhưng Đức-Tài quan trọng hơn hết"

Vấn đề then chốt trong công cuộc đổi mới

Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

Tập trung trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng

Vấn đề nhân sự trong xây dựng Đảng

Cần có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để đánh giá cán bộ