Thứ bảy 10/05/2025 03:44

Vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu tại Móng Cái: Doanh nghiệp kêu khó vì yêu cầu xét nghiệm Covid-19

Tình trạng xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần… Hoặc sự chồng chéo trong yêu cầu kết quả test nhanh của các địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.

Tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có công văn gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Móng Cái về việc quy định xét nghiệm Covid-19 với lái xe vận chuyển hàng qua cửa khẩu Móng Cái.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay, xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần, trong đó có 2 lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Cụ thể, lần thứ nhất, theo chỉ đạo tại Công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu.

Lần thứ hai, theo Công văn số 4227/UBND-VP ngày 6/9/2021 của UBND TP. Móng Cái thì lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái. Lần thứ ba, theo Công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 3/8/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.

VLA nhận thấy cần thực hiện các quy định phòng dịch phù hợp với chỉ đạo tại Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về thời hạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc chấp nhận xét nghiệm cho lái xe bằng cả hai phương pháp PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến ba lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe.

Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ ba bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi sau khi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19.

“Việc này làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, hữu hình và vô hình, khi phương tiện, người lái và hàng hóa phải lưu giữ ở khu vực cửa khẩu chờ kết quả xét nghiệm. Doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái” - đại diện VLA nhấn mạnh.

Không chỉ có Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên về tình hình khó khăn trong việc xét nghiệm PCR cho lái xe gây ách tắc giao thông, mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Tại thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Y tế Giao thông vận tải làm đầu mối thực hiện hỗ trợ các địa phương thực hiện test nhanh Covid-19 cho đội ngũ lái xe vận tải. “Tuy nhiên, việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực ở mỗi tỉnh khác nhau, không đồng bộ khiến doanh nghiệp vận tải “kêu trời” vì gánh thêm chi phí và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa” - đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các quy định về xét nghiệm PCR cho lái xe của Quảng Ninh và Móng Cái đang không đúng với chỉ đạo của chính phủ và các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải. Với 3 lần xét nghiệm, đặc biệt là yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí và vận hành, đặc biệt là đội ngũ lái xe.

Cần sự đồng bộ, thống nhất

Nhằm mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, VLA đề nghị xem xét, thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô qua địa phận tỉnh Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái phù hợp với Văn bản số 8849/BGTVT-VT ngày 25/8/2021 của Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, VLA kiến nghị, không yêu cầu xét nghiệm lái xe lần thứ ba như đang quy định tại Công văn số 3577/UBND-BQLCK. Quy định này đang gây ra rất nhiều phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 rồi mới được rời đi. Điều này đang làm gia tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vì phải tụ tập đông người tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, không yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai như quy định tại Công văn số 4227/UBND-VP nếu kết quả xét nghiệm của lái xe vẫn còn trong thời giạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành liên quan gỡ khó cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thống nhất tất cả các tỉnh chấp nhận chỉ cần test PCR 1 lần /tháng nếu lái xe đã tiêm đủ 2 mũi, còn đối với các lái xe chưa tiêm đủ 2 mũi thì cần kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ để giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - GSTS. Phạm Viết Nhung - cho biết, chỉ cần test 1 lần/tháng nếu đã tiêm 2 mũi. Nhưng các tỉnh vẫn chỉ đạo phải test tất cả các lần lưu thông trên tỉnh của mình. Hơn nữa, kết quả test nhanh này tại các tỉnh cũng rất khác nhau.

Theo Công văn số 5938/UBND-VX ngày 26/8/2021 của UBND TP. Hải Phòng, “đối với lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa, được sử dụng kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu bằng phương pháp RT-PCR tại tất cả các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm (bao gồm cả Hải Phòng)”, nhưng tỉnh Hưng Yên lại chỉ chấp nhận kết quả test nhanh 48h. “Điều này khiến nhiều lái xe mệt mỏi, không muốn chạy xe, nhất là đến các tỉnh đang bị phong tỏa, họ chấp nhận bỏ việc và hiện tại thì nhiều lái xe cho các doanh nghiệp đã bỏ việc” - GSTS. Phạm Viết Nhung nêu.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế cửa khẩu

Tin cùng chuyên mục

Chất lượng tốt, cà phê Robusta Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng/2025 tăng 15,7% so với cùng kỳ

Chủ động thích ứng, doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu hàng hóa

Hà Nội: Xuất khẩu hàng hóa đạt 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025

Xuất nhập khẩu vượt 276 tỷ USD sau 4 tháng

Hợp tác Việt Nam - Kazakhstan: Mở lối sang ngành công nghiệp nền tảng, giá trị cao

Xuất khẩu tăng, ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 5,1 tỷ USD

Bộ Công Thương sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận C/O

Infographic | Xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 545,5 triệu USD trong quý 1/2025

Từ 5/5/2025, cấp C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX chuyển về Bộ Công Thương

Giải mã nguyên nhân khiến giá dừa xuất khẩu lập đỉnh

EC lùi thời gian thanh tra 'thẻ vàng' IUU đến cuối năm

Đề xuất mở rộng ưu đãi thuế VAT cho dịch vụ xuất khẩu

Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 2: Cần 'cuộc cách mạng' để kinh tế tư nhân bứt phá

Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất

Chinh phục thị trường Nhật Bản: Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt

Từ nhập siêu tới xuất siêu: Dấu ấn nửa thế kỷ hàng Việt hội nhập

Bộ Công Thương thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo

Quy định hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2025