Vào ngày 15/7, một đoạn clip đã được lan truyền trên mạng xã hội về màn ăn mừng của tiền vệ Enzo Fernandez (đội tuyển Argentina) sau khi giành chiến thắng tại Copa America 2024 đã gây tranh cãi lớn. Đáng chú ý là câu hát của những cầu thủ này đã ám chỉ đến những thành viên thuộc đội tuyển Pháp tại EURO 2024: "Họ chơi cho tuyển Pháp nhưng đến từ Angola. Có mẹ người Nigeria, bố người Cameroon, nhưng hộ chiếu của họ lại của Pháp".
Tiền vệ Enzo Fernandez - trung tâm của vụ bê bối về phân biệt chủng tộc trong thời gian vừa qua. (Nguồn ảnh: CNN) |
Sau sự kiện, Enzo Fernadez đã phải lên tiếng xin lỗi trên mạng xã hội về hành vi trên. Biết được tin, liên đoàn bóng đá Pháp đã gửi đơn khiếu nại lên FIFA điều tra, vì cho rằng những câu hát trên mang tính phân biệt chủng tộc. Câu lạc bộ Chelsea mà Fernandez đang thi đấu sau đó cũng đã tiến hành thủ tục kỷ luật nội bộ đối với anh.
Đây không phải lần đầu tiên giới bóng đá Argentina đối mặt với bê bối về phân biệt chủng tộc. Vào năm 2005, cầu thủ người Argentina Leandro Desabato đã có lời lẽ sỉ nhục chủng tộc của cầu thủ da đen người Brazil Grafite trên sân thi đấu. Tương tự, vào năm 2023, một cầu thủ da đen khác từ Brazil là Rodrygo đã phải hứng chịu những lời tấn công chủng tộc của mình từ các cổ động viên Argentina trên mạng sau khi anh có màn va chạm với siêu sao Lionel Messi.
Thậm chí, chính người Argentina cũng đã quen thuộc với bài hát của Enzo và các đồng đội. Vào tháng 11 năm 2022, một kênh truyền hình Argentina đã quay cảnh những cổ động viên nước này hát chính như ca từ trên trong trận mở màn FIFA World Cup 2022. Ngay cả cha của Enzo Fernandez cũng cho rằng bài hát trên là hết sức bình thường, và tuyên bố "Người châu Âu khó hiểu được văn hóa Nam Mỹ.”
Trên mạng xã hội, cộng đồng hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đã có tranh cãi về bài hát trên của cầu thủ người Argentina. Thậm chí, có một bộ phận không nhỏ người Việt cũng cho rằng ca từ trên là không có gì sai trái, và chỉ đơn thuần nêu đúng sự thật về việc có quá ít cầu thủ “gốc Pháp” trong đội tuyển của quốc gia này.
Một số bình luận trên trang mạng xã hội Facebook về vụ việc vừa qua. (Ảnh chụp màn hình) |
Những người có quan điểm như vậy hẳn đã không để ý thấy sự mâu thuẫn trong lời ca của Fernandez và các đồng đội. Thực tế, trong đội tuyển Pháp, cầu thủ Olivier Giroud có gốc gác từ Italia, và cầu thủ Antoine Griezmann có mẹ là người gốc Bồ Đào Nha. Tuy vậy, quê hương của cả hai cầu thủ này lại không được nhắc đến trong lời ca của Fernandez.
Thật không khó để nhận ra điểm khác biệt giữa những cầu thủ như Giroud, Griezmann và những cầu thủ như Kylian Mbappe, Kolo Muani hay thủ môn Mike Maignan. Dù đều mang quốc tịch Pháp, nhưng Clauss và Griezmann đã được “bỏ qua” vì họ là người gốc Âu, trong khi những người như Mbappe, Muani và Maignan lại bị chế giễu vì gốc gác châu Phi của mình.
Để nhận ra hành vi phân biệt chủng tộc như trên là không hề dễ dàng, nhưng để lên án và xử lý hành vi đó lại càng khó khăn hơn. Gần đây, cả Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) và Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) đã ngày càng nỗ lực phát hiện, ngăn chặn và xử phạt hành vi phân biệt chủng tộc đối với các cầu thủ, quan chức và người hâm mộ trên sân, trên khán đài và thông qua mạng xã hội. UEFA và FIFA cũng đã có một số thành công bước đầu, tiêu biểu là việc một số người hâm mộ Tây Ban Nha đã bị kết án tù vì đã xúc phạm đến chủng tộc của cầu thủ gốc Phi Vinícius Junior vào năm nay.
Tuy vậy, nỗ lực từ UEFA và FIFA là không đủ, mà chính những người hâm mộ cũng phải chung tay, góp phần chống nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Lịch sử đã cho thấy người hâm mộ có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với môn thể thao này, từ việc chọn màu áo đến cả việc quyết định nhà cầm quân cho một đội bóng. Vì vậy, cộng đồng người hâm mộ cần sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lên tiếng và phản đối bất kỳ hành động phân biệt đối xử nào, cho dù chúng đến từ những người hâm mộ hay từ cả những cầu thủ và huấn luyện viên.
Còn với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, việc nhận thức và phòng chống phân biệt đối xử nói chung và phân biệt chủng tộc nói riêng là đặc biệt quan trọng. Quả thật, khái niệm phân biệt chủng tộc đối với một số người có thể xa lạ, nhưng khi đất nước ngày càng mở cửa với thế giới, việc nhận thức và tăng cường giáo dục về sự bình đẳng là ngày càng cần thiết. Qua đó, bạn bè quốc tế sẽ chắc chắn có một cái nhìn thiện cảm hơn về đất nước, và chính con người Việt Nam.