Trà Vinh cần phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế đa dạng
Kinh tế Trà Vinh đang từng bước phục hồi
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết, 3 tháng đầu năm nay Trà Vinh đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP giảm so với cùng kỳ, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 23% kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21%, thu ngân sách đạt gần 28% dự toán. Do tác động của dịch Covid-19 nên mặc dù kinh tế có bước phục hồi nhưng vẫn tăng trưởng âm, 7/24 chỉ tiêu của năm 2021 không đạt kế hoạch.
Riêng quý I/2022, với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát triển ổn định hơn.
Về phát triển cụm công nghiệp (CCN), theo báo cáo của Sở Công Thương Trà Vinh, đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh quy hoạch 14 CCN với tổng diện tích 539,1 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 CCN (CCN Sa Bình, CCN Hiệp Mỹ Tây, CCN Tân Ngại, CCN Phú Cần) được thành lập với tổng diện tích 93,18 ha (trong đó, có 3 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, 1 CCN do BQL dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư); có 4 CCN với tổng diện tích 104,2 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa có CCN được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Đến hết năm 2021, tỉnh Trà Vinh chưa có CCN đi vào hoạt động cũng như được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Trà Vinh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã... phù hợp lộ trình thời gian và thực tiễn địa phương. Theo đó, tổng nhu cầu vốn thực hiện các chương trình, dự án trong năm 2022 và 2023 là hơn 79.500 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị cụ thể. Trong đó, liên quan đến dự án Kênh đào Trà Vinh (luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu) là dự án trọng điểm quốc gia, vì mục tiêu chung của dự án là góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Trà Vinh đề nghị được hỗ trợ về chủ trương đầu tư xây dựng cầu qua Kênh đào Trà Vinh kết nối giao thông 4 xã đảo với đất liền, để phát triển tiềm năng kinh tế và du lịch ven biển, góp phần nâng cao đời sống người dân 4 xã đảo nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung.
Mặt khác, Trà Vinh cũng đề xuất xem xét cho tỉnh thực hiện thí điểm đưa vào quy hoạch điện VIII để khai thác dần theo từng giai đoạn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cho phép Trà Vinh thí điểm sử dụng ngân sách địa phương hoặc vay vốn hợp pháp khác để thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Phát triển kinh tế gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu
Trao đổi tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác cho rằng, với vị trí nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, có 65 km bờ biển và 3 vùng sinh thái (nước ngọt, nước mặn, nước lợ), Trà Vinh có tiềm năng kinh tế đa dạng, nhất là kinh tế biển (thế mạnh về thuỷ, hải sản, cây ăn trái, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, cảng biển…). Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao và phối hợp chặt chẽ của tỉnh với Bộ Công Thương nỗ lực thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế” nên đã khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã trao đổi cụ thể một số định hướng phát triển đối với tỉnh Trà Vinh như: Cần tiếp tục phát huy thế mạnh, cần tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến của tỉnh phát triển, tạo bước đột phá trong ngành chế biến nông, thủy sản phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ và triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường trong nước kết hợp với mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, FTA, EVFTA...).
Liên quan đến các kiến nghị của Trà Vinh về bổ sung các nhà máy điện gió vào Quy hoạch Điện VIII, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và tính toán kỹ trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đảm bảo quy mô hợp lý với cơ cấu chung của toàn quốc và khả năng phát triển lưới điện truyền tải của từng khu vực. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng đề nghị thực hiện theo các quy định hiện hành như tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Điện lực....
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của Trà Vinh trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Trà Vinh bám sát chương trình hành động tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cần tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò các cơ quan dân cử và đoàn đại biểu quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Trà Vinh cần sớm quy hoạch vùng tỉnh phù hợp quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê quyệt. Trong đó, chú ý lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm về kinh tế hợp tác. Về công nghiệp lưu ý lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát huy kinh tế biển, lấy Khu Kinh tế Định An làm trọng tâm, kết hợp đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành nghiên cứu phối hợp với Trà Vinh sớm tháo gỡ những khó khăn, giúp tỉnh thực hiện đạt các mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (thứ 2 từ trái sang) tham quan các gian hàng tại Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022 |
Trước đó, tối 28/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh đã khai mạc Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022. Hội chợ diễn ra từ ngày 28/4 - 4/5, thu hút 120 cơ sở, doanh nghiệp của 18 tỉnh, thành phố tham gia với 270 gian hàng được trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sảm phẩm: điện máy, may mặc, mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt gia đình… Bên cạnh đó, hội chợ còn có sự tham gia của 09 đơn vị huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh triển lãm về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội qua 30 năm tái lập tỉnh; kết hợp với giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng của địa phương (sản phẩm OCOP) đến với khách tham quan.