Quảng Bình: Công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024 Quảng Bình: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm |
Để chuẩn bị các phương án tốt nhất cho thị trường tiêu dùng dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm.
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: “UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá... trái pháp luật trên địa bàn.”
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương trong công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó, chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Vũ Quang Thắng- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho hay: “ Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện công tác triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định tình hình thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025."
Hàng hoá tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình |
“Đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.”
Anh Lê Công Như- Chủ cửa hàng Sản phẩm OCOP Quảng Bình chia sẻ: "Các sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm mang đặc trưng địa phương năm nay "lên ngôi" khi được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Ngay từ đầu tháng 11, cửa hàng đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng của các cá nhân, đơn vị yêu cầu chuẩn bị các sản phẩm có nguồn gốc sạch và sản phẩm hữu cơ, sản phẩm gần với thiên nhiên để sử dụng và dùng làm quà Tết."
Đối với hàng hóa nông sản, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương cung cấp các thông tin về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông, lâm, thủy sản phù hợp với nhu cầu, khả năng tiêu thụ, nhằm chủ động đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chủ động, phối hợp làm việc với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... có quy mô trang trại, hộ gia đình để huy động thu mua, tập kết hàng hóa đem ra lưu thông trên địa bàn khi cần thiết.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa, đảm bảo đủ hậu cần hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để phục vụ người dân trên địa bàn. Chỉ đạo đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc tình hình dịch bệnh, tình hình thị trường, nhu cầu của người dân có phương án đảm bảo nguồn hàng hóa, phương án cung ứng hàng hóa phù hợp. Có phương án bố trí về con người, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân tại các địa bàn khi cần thiết.