Chủ nhật 22/12/2024 20:28

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về hàng hoá dịp cuối năm

Để ổn định thị trường dịp cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại...

Bước vào những tháng cao điểm cuối năm 2024, thị trường diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng hàng hoá của người dân được dự báo sẽ tăng cao. Cũng từ đây, các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng Quản lý thị trường đã rất tích cực trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại từ đầu năm đến nay của lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh?

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Kết quả, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra tổng 4.456 vụ (tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện 4.114 vụ vi phạm (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023), thu nộp ngân sách đạt hơn 88 tỷ đồng.

Trong đó đối với nhóm vi phạm nổi cộm như hàng lậu, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 590 vụ (tỷ trọng 14,34% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 9,5 tỷ đồng (tỷ trọng 11,9% trong tổng số thu nộp ngân sách), hàng hóa trị giá vi phạm hơn 39 tỷ đồng.

Về hàng giả, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.031 vụ (tỷ trọng 25,06% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 11,5 tỷ đồng (tỷ trọng 14,4% trong tổng số thu nộp ngân sách), hàng hóa trị giá vi phạm hơn 13,7 tỷ đồng.

Về hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.909 vụ (tỷ trọng 46,40% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 35,1 tỷ đồng (tỷ trọng 44% trong tổng số thu nộp ngân sách), hàng hóa trị giá vi phạm hơn 66,3 tỷ đồng.

Lĩnh vực thương mại điện tử trong 10 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 257 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỷ đồng.

Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra và phát hiện Công ty thực phẩm TTP (đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) đang kinh doanh 7,8 tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh)

Một số vụ việc tiêu biểu có thể kể đến như: Ngày 26/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra và phát hiện Công ty thực phẩm TTP (đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) đang kinh doanh 7,8 tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xử lý, doanh nghiệp này đã bị xử phạt với số tiền là 180 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Hoặc, ngày 28/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 19 phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Tây Bắc, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Củ Chi và Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an Thành phố khám xe ô tô tải trên Cầu vượt Củ Chi (QL22, Khu phố 5, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) phát hiện 120.200 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với trị giá ước tính hơn 3,5 tỷ đồng nên đã tạm giữ để xử lý theo quy định. Vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Củ Chi tiếp tục điều tra làm rõ.

Đội Quản lý thị trường số 19 phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 120.200 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với trị giá ước tính hơn 3,5 tỷ đồng (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh)

Một vụ việc khác là ngày 23/7/2024 và 24/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra Chi nhánh Công ty BQ có địa chỉ tại các quận 5, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh phát hiện tại các địa chỉ này đang kinh doanh 8.361 đơn vị sản phẩm mắt kính, kẹp tóc, dụng cụ làm tóc, hàng gia dụng các loại… không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 126.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Qua theo dõi, hoạt động kinh doanh, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn vẫn có nhiều thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc hoạt động kinh doanh, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn là do lợi nhuận lớn mà người kinh doanh nhận được. Với chi phí đầu vào thấp, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, người kinh doanh cũng đã chuyển dần hình thức kinh doanh qua kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm.

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện những giải pháp nào để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng đầu năm, thưa ông?

Trong thời gian qua, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như; xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau củ quả, gạo, thịt lợn, thuốc lá, đường cát…

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại dịp cuối năm 2024 (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh)

Ngoài ra, Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an Thành phố trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại mà tập trung là trên môi trường thương mại điện tử

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để huy động toàn dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc tăng cường tuyên truyền còn để người dân nâng cao nhận thức, hiểu và không tham gia hay tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Bước vào những tháng cao điểm cuối năm, thị trường đang có những diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có những kế hoạch và biện pháp gì để phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại?

Cục Quản lý thị trường Thành phố đã ban hành và triển khai các kế hoạch về tăng cường công tác quản lý địa bàn; kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024; kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024; kế hoạch triển khai giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử năm 2024; kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024.

Ngoài ra, vào những tháng cao điểm cuối năm đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung chú trọng tới công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thực hiện mục tiêu chung của toàn ngành, bảo đảm sự ổn định của thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Tiến Phòng
Bài viết cùng chủ đề: buôn bán hàng giả

Tin cùng chuyên mục

Ngành phân bón tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo

Xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp đừng quên thực hiện trách nhiệm xã hội

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

Bước tiến mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương

TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững

Nâng cao năng lực chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0

Bộ Công Thương phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả

Để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

Tái khởi động điện hạt nhân: Quyết sách chiến lược vì tương lai năng lượng Việt Nam

Vượt qua rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Thúc đẩy tài chính xanh: Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương