Tôn vinh giá trị tinh hoa nghề thủ công truyền thống
Lưu giữ nét văn hóa truyền thống
Văn hóa Việt Nam là một dòng chảy mạnh mẽ và bền bỉ, trải dài qua chiều dài hàng nghìn năm phát triển. Để dòng chảy ấy tiếp tục theo năm tháng, cần lắm những con người luôn trân trọng giá trị di sản văn hóa của cha ông, trong đó phải kể đến vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bởi họ đã, đang và vẫn luôn ân cần gìn giữ.
UNESCO coi nghệ nhân dân gian là “Báu vật nhân văn sống”, là những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian. Ðã có nhiều câu chuyện kể về những nghệ nhân tâm huyết với nghề, trải dài theo thời gian, để rồi làm nên một lớp người sáng tạo và cống hiến, hy sinh hết mình vì tinh hoa nghề nghiệp. Họ chính là "dòng chảy" lưu truyền những giá trị văn hóa dân gian qua các thế hệ. Đồng thời, đóng góp tích cực phát triển kinh tế đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Trong những năm qua, ngành Công Thương không ngừng lớn mạnh. Trong 5 năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,5%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 11,5%/năm. Bước vào năm 2020, ngành Công Thương đã phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, do tình hình dịch covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn; song thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đã có những nỗ lực vượt bậc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội giao.
11 tháng năm 2020, so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% (trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 4,7%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 254,9 tỷ USD (trong đó, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 4 tỷ USD); tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 4.590 nghìn tỷ đồng, tăng 2,03%.
Trong những kết quả mà ngành Công Thương đạt được, có sự đóng góp tích cực của các ngành hàng thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, mà tiêu biểu là các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Các nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang có vị trí to lớn trong hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nhu cầu của người tiêu dùng là rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong thành tích chung của ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” - đã có công lớn trong việc lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa phát huy được truyền thống dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.
Các nghệ nhân được công nhận ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có tính kế thừa qua các thế hệ; tiêu biểu ở nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau từ thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ… Đây là những nghề thủ công mỹ nghệ có tính truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính hiện đại. Có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành quà tặng chính thức phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong những năm vừa qua. Các nghệ nhân được vinh danh lần này tiếp tục là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, tài năng của nghệ nhân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo |
Tìm kiếm và vinh danh kịp thời
Thực hiện Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, Bộ Công Thương đã nhận được 92 hồ sơ của 15 Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến đề nghị xét tặng danh hiệu cho 10 nghệ nhân nhân dân và 82 nghệ nhân ưu tú.
Quyết tâm tìm kiếm và vinh danh những nghệ nhân một cách kịp thời, xứng đáng, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức đoàn công tác đến tận cơ sở của 92 nghệ nhân, đánh giá thực tế; bỏ phiếu lựa chọn, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 4 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 1 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân. Quyết định này đã thể hiện sự ghi nhận, quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các nghệ nhân trong phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.
Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng lần này là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, tôn vinh; đại diện cho 27 nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo.
Qua Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, Bộ Công Thương kỳ vọng, trong thời gian tới, các nghệ nhân bằng tâm huyết cống hiến, lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục có nhiều đóng góp tài năng, phát huy ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, đồng thời liên tục đẩy mạnh đào tạo, truyền nghề cho nhiều thợ giỏi, kế thừa truyền thống, phát triển được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đặc sắc, đảm bảo tính thẩm mỹ - dân tộc - hiện đại - đại chúng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương; góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa, lịch sử dân tộc đến với nhân dân thế giới.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp, giữ gìn và trao truyền giá trị nghề thủ công mỹ nghệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào an sinh xã hội.
Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra tối ngày 15/12/2020, tại Hà Nội. Đây là năm thứ hai lễ trao tặng được tổ chức trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. |