Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng: Nhận diện và giải pháp đến từ chuyên gia
Trong thời đại số hóa, internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện ích là mối nguy hiểm ngày càng gia tăng từ các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và niềm tin của người dùng. Vậy làm sao để ngăn chặn hiệu quả? Hãy cùng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia.
Gia tăng phức tạp các hình thức lừa đảo
Mới đây, ngày 15/12, chị T.L (trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có truy cập trên trang Facebook Cuộc thi xe đạp trẻ em 2024 để đăng ký chương trình “Kids For Bike-Thử thách đạp xe cho trẻ em 2024”. Sau đăng ký và làm theo các hướng dẫn, chị T.L đã bị lừa trên 2 tỷ đồng.
Trang Facebook Cuộc thi xe đạp trẻ em 2024 mà chị T.L đăng ký. Ảnh chụp màn hình |
Theo chị L., qua theo dõi trang Facebook này, chị thấy trang này quảng cáo chương trình do Liên đoàn xe đạp Hà Nội cùng đồng hành với thương hiệu Sữa đậu nành Fami lần đầu tiên dành cho các bé từ 4-17 tuổi nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe và gây quỹ từ thiện cùng chương trình qua các quãng đường hoàn thành mục tiêu. Thấy chương trình có ý nghĩa nhân văn, thiết thực nên chị L. đăng ký cho con tham gia.
Sau khi đăng ký, chị được cung cấp một mã đăng ký và hướng dẫn điền thông tin vào hồ sơ đăng ký và chị được kết nối với một “chuyên viên tư vấn” qua ứng dụng Telegram để được xét duyệt hồ sơ. Sau đó, chị L. được chuyên viên tư vấn hướng dẫn mua sản phẩm xe đạp thể thao với tổng trị giá hơn 2,5 triệu đồng với cam kết sẽ hoàn lại tiền sau ba đến năm phút. Hoàn thành nhiệm vụ này thì con chị mới vào vòng xét duyệt chính thức để tham gia giải.
Chị L. tin tưởng đã chuyển tiền mua các sản phẩm như yêu cầu và được hoàn trả theo cam kết. Tiếp đến, “chuyên viên tư vấn” lại gửi mẫu xe đạp với giá trên 10 triệu đồng. Lần này chị tiếp tục chuyển tiền nhưng hệ thống báo lỗi sai. Để nhận lại tiền chị phải chuyển gấp đôi số tiền trên để khắc phục lỗi sai trong vòng 90 phút. Cứ như vậy, chị L. liên tục chuyển tiền và liên tục bị hệ thống nhắc nhở giao dịch sai. Cho đến khi số tiền lên đến trên 2 tỷ đồng chị mới nhận ra mình bị lừa. “Sự việc lần này khiến tôi vô cùng ân hận, hối tiếc, tôi biết khả năng cao không thể lấy lại số tiền mình đã mất. Tôi mong muốn người dân nêu cao cảnh giác, đừng để rơi vào trường hợp như tôi” - chị L. nói.
Tổng giao dịch chuyển tiền lên đến trên 2 tỷ đồng mà chị T.L đã bị các đối tượng lừa . Ảnh chụp màn hình |
Trước đó không lâu, chị N.T.T (trú huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) mất trắng 1,9 tỷ đồng vì tin lời đối tượng quen biết qua mạng xã hội. Khoảng tháng 11/2024, thông qua mạng xã hội, chị T. kết bạn làm quen với một người tên Tuấn, tự giới thiệu là Công an TP. Hà Nội.
Sau nhiều lần trò chuyện, khi có được niềm tin của chị T., Tuấn giới thiệu chị tham gia bán hàng online nhận “hoa hồng” với cách thức truy cập vào đường link do Tuấn cung cấp và thành lập gian bán hàng trên mạng xã hội Facebook.
Những lần đầu truy cập bán hàng, sau khi chị T. chuyển tiền thì đều nhận được tiền gốc và lãi như thỏa thuận. Nhưng càng về sau, khi các đơn hàng nhiều hơn, đòi hỏi phải chuyển số tiền lớn thì số tiền hoàn trả bị chậm, yêu cầu liên tục làm nhiệm vụ bán hàng và chuyển thêm tiền.
Chỉ trong 8 ngày, chị T. đã thực hiện khoảng 62 đơn đặt hàng, 25 lần chuyển tiền với tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng. Quá trình thực hiện các đơn hàng, Tuấn đã chuyển lại cho chị T. số tiền hơn 148 triệu đồng để câu kéo chị T. tiếp tục “bán hàng”.
Đến khi chị T. không còn khả năng gửi tiền, yêu cầu rút vốn không làm nữa thì Tuấn lấy lý do gian hàng của chị T. mới được lập, chưa là thành viên chính thức nên chị T. phải nộp thêm “thuế thu nhập cá nhân” với số tiền 195 triệu đồng thì công ty mới cho rút hết số tiền đã nộp vào. Sau nhiều lần liên lạc với Tuấn nhưng không thể rút tiền, chị T. nghi ngờ bị lừa nên đến Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) trình báo vụ việc.
Ngoài ra, theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 58 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Đáng nói, dù phương thức, thủ đoạn không mới song khó hiểu là các nạn nhân vẫn dễ dàng rơi vào bẫy của tội phạm.
Nhận diện và giải pháp đến từ các chuyên gia
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị liên tục nhận được các đơn tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, phương tiện điện tử công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.
Qua phân tích phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai nhận thấy người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng chủ yếu bị các đối tượng lợi dụng các sơ hở của nạn nhân để thực hiện hành vi.
Các đối tượng còn lợi dụng sự tò mò hoặc thiếu hiểu biết của người dân về các nền tảng công nghệ mới, như ví điện tử, tiền mã hóa, tiền ảo hoặc các ứng dụng kiếm tiền ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức như gạ gẫm tình cảm rồi dẫn dắt chung vốn đầu tư sàn chứng khoán, lập nhóm để phối hợp mua tiền ảo kiếm lời,…
Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, luôn xác thực thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào. Không cung cấp thông tin cá nhân, OTP, hoặc tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Tránh nhấp vào các đường dẫn lạ, không chuyển tiền theo yêu cầu bất ngờ, gấp gáp của bất kỳ ai, cần bình tĩnh để xác minh lại các thông tin. Sử dụng các biện pháp bảo mật kỹ thuật như xác thực hai lớp trên tài khoản mạng xã hội, ngân hàng,...
Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dân để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Mạng xã hội |
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính.
Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác và các chứng chỉ hợp pháp. Đồng thời, người dân chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng, tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân.
Theo chuyên gia an ninh mạng Vũ Mạnh Linh, các hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay rất đa dạng và tinh vi. Từ giả danh cơ quan nhà nước, ngân hàng đến chiếm đoạt tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, tin tặc thường tận dụng tâm lý thiếu cảnh giác của người dùng để thực hiện hành vi. Đáng lo ngại hơn, các đối tượng ngày càng sử dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng nói, khuôn mặt hoặc tạo ra các liên kết lừa đảo khó phát hiện.
Nguyên nhân gốc rễ khiến lừa đảo trên mạng trở nên phổ biến nằm ở việc người dùng thiếu kiến thức về an ninh mạng, trong khi hệ thống pháp luật và công nghệ bảo vệ chưa đủ mạnh. “Một số người dùng dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân, nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc tin vào các chiêu trò như nhận thưởng, trúng quà. Điều này tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm pháp.” - ông Vũ Mạnh Linh cho hay.
Ngoài ra, ông Vũ Mạnh Linh còn nêu một số ý kiến, giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này: Việc nâng cao nhận thức người dùng là rất cần thiết, việc tổ chức các chương trình tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng internet an toàn là bước đầu tiên cần thực hiện. Các chiến dịch truyền thông phải tiếp cận sâu rộng, nhấn mạnh vào các rủi ro khi sử dụng mạng và cách nhận diện lừa đảo.
Thứ hai, các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ và tổ chức tài chính cần đầu tư mạnh hơn vào hệ thống bảo mật như xác thực hai lớp (2FA), mã hóa dữ liệu và công nghệ nhận diện hành vi bất thường, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn.
Thứ ba, cần tăng cường khung pháp lý, có những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi lừa đảo qua mạng. Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế để truy vết các đối tượng lừa đảo xuyên biên giới cũng cần được chú trọng.
Thứ tư, Chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ cần phát triển các nền tảng số an toàn, hỗ trợ người dùng phát hiện các liên kết hoặc nội dung lừa đảo. Đồng thời, cần có cơ chế để người dân dễ dàng tố cáo các hành vi vi phạm.
Thứ năm, chính người dùng cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách cập nhật kiến thức an ninh mạng, kiểm tra kỹ các thông tin trước khi thực hiện giao dịch hoặc chia sẻ dữ liệu. Sự cảnh giác và cẩn trọng là lá chắn đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại lừa đảo trực tuyến.
Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng là vấn đề không của riêng ai, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chuyên môn và chính mỗi cá nhân. Hơn bao giờ hết, nâng cao nhận thức cộng đồng và áp dụng công nghệ tiên tiến là chìa khóa để xây dựng một môi trường số an toàn, lành mạnh.