Tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới
Tích cực triển khai các hoạt động
Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ, “phên dậu” địa đầu của Tổ quốc, trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm ước đạt 5,45%. Trong đó ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,83%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 20,83%, công nghiệp - xây dựng 23,55%, dịch vụ 50,87%.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển tích cực, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao; tình hình chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Trong đó, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình Mục tiêu quốc gia) của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp đồng bào dân tộc vươn lên, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống.
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tính đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn có 75/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 82 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn giảm từ 7,88% năm 2020 xuống còn 5,76% năm 2021 (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là 12,20%).
Dù vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn chậm phát triển, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; việc nhân rộng các mô hình sản xuất mới gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19 việc làm, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như góp phần cùng các địa phương khác trong cả nước thực hiện hoàn thành các mục tiêu của các chương trình.
Theo đó, để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 có hiệu quả, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì tham mưu, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TU ngày 29-11-2021 về công tác dân tộc và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030; trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn chưa thực sự chặt chẽ. Thêm vào đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn cơ bản có trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống biệt lập, ít có cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập; khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Phát huy mọi tiềm lực và lợi thế
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, ông Vi Minh Tú - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, còn lúng túng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn có trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống biệt lập, ít có cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập; khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ không muốn thoát nghèo, không muốn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Một số chính sách giai đoạn 2016 - 2020 đã kết thúc, trong khi đó các chính sách mới bắt đầu thực hiện từ năm 2021 chưa được phân bổ vốn, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn và chưa bảo đảm tiến độ.
Ngoài ra, định mức các nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tác động phần nào đến thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Về cơ cấu tổ chức của cơ quan công tác dân tộc, chưa thực sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Với đặc thù là một tỉnh miền núi biên giới có diện tích rộng, địa hình chia cắt, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rất đông (chiếm 84%), nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở tại Lạng Sơn còn mỏng, chưa thực sự tương xứng với nhu cầu và khối lượng công việc thực tế. Cần có cơ chế đặc thù về cơ cấu tổ chức, biên chế cũng như các chính sách đãi ngộ riêng cho đội ngũ thực hiện công tác dân tộc đối với các tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số như Lạng Sơn.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia, tỉnh Lạng Sơn đã và đang phát huy mọi tiềm lực và lợi thế của miền núi để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.
Đồng thời, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, công khai minh bạch trong phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy quyền làm chủ cùng sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.
Cùng với đó, các cấp huyện, xã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh...