Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu và chỉ đạo hội nghị. Ảnh Văn Hùng |
Theo ông Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, trong 5 năm thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ” và được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong khu vực, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án, do đó chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh, thành trong khu vực được nâng lên.
Tổng doanh số cho vay toàn vùng đạt 33.393 tỷ đồng với 2.350.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt 27.838 tỷ đồng, tăng 10.918 tỷ đồng so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân là 10,5%, cao hơn 1,8% tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống (8,7%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hậu Giang 14,7%; Cần Thơ 13,6%; Cà Mau 12,3%; Sóc Trăng 11,8%…
Thông qua 1.581 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương; đồng thời, tiết giảm chi phí đi lại cho người dân, NHCSXH đã giúp cho trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089.000 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó, có trên 20.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long… Bên cạnh đó, tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nam bộ giảm từ 10% (năm 2012) xuống còn khoảng 8,4% (năm 2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Bước đầu có chuyển biến tích cực, nhưng tín dụng chính sách xã hội khu vực Tây Nam bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Chất lượng tín dụng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa kịp thời rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Sự phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm… với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa tạo được sự gắn kết để vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả đồng bộ và lâu dài.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện đề án. Việc thay đổi cả lượng và chất tín dụng chính sách thời gian qua đã có tác động sâu sắc tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại vùng. Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của vốn tín dụng chính sách. Về lâu dài cần “phủ sóng” giải quyết các ưu đãi đến 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn các chương trình tín dụng được tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong khu vực Tây Nam bộ.
Trong dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 16 cá nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã tặng bằng khen cho 3 tập thể của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; tặng giấy khen cho 5 tập thể và 127 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ và thông qua chương trình nội dung ký kết bản ghi nhớ giữa ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội.