Chủ nhật 22/12/2024 18:30

Tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng câu chuyện văn hoá

Với câu chuyện riêng có của mình, các sản phẩm OCOP đã có riêng một tấm “giấy thông hành” để tiêu thụ. Câu chuyện về chè Suối Giàng là một câu chuyện như vậy.

Huyền tích chè Suối Giàng

Nằm ở độ cao 1.400m, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, không chỉ được biết đến với khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn là nơi có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tục truyền, từ thuở chưa có sự sống, có một nàng tiên bay khắp thế gian gieo hạt sự sống, đến vùng núi cao này, hạt giống đã hết, chỉ còn vài hạt thuốc quý, nàng bèn rắc xuống.

Chè Suối Giàng được coi như một vị thuốc và là báu vật của người Mông

Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành cây xanh tốt với tán cây rộng, lá xanh ngắt, còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Từ đó, người ta tin rằng giống chè này quý giá như một vị thuốc và là báu vật của người Mông ở Suối Giàng.

Cho đến nay, những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng luôn gắn liền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực và nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông. Giá trị của cây chè cổ thụ ở Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một loại đồ uống mà nó còn mang theo trong đó cả dư vị về thời gian, những tinh túy của đất rừng, thiên nhiên và con người Mông nơi đây.

Nặng lòng với nghiệp chè, sau 18 năm tu nghiệp về marketing và kỹ thuật sản suất, chế biến chè ở nhiều nước trên thế giới, năm 2019, anh Đào Đức Hiếu đã gác công việc làm giảng viên khoa Marketing trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), lên xã Suối Giàng để cùng với chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái thành lập HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng. Mô hình Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng ra đời với mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào Mông, bảo tồn phát triển chè shan tuyết cổ thụ cũng như bảo tồn văn hóa bản địa kết hợp sản xuất kinh doanh chè với phát triển du lịch.

Niềm đam mê với cây chè cổ thụ khiến câu chuyện của anh về cây chè dường như không bao giờ có hồi kết. Anh kể, người Nhật đã từng đánh giá rằng trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có những tiêu chuẩn còn hơn cả Nhật Bản, nó còn đạt đến độ “hoàn toàn thiên nhiên” nhờ đặc tính của khí hậu, của thổ nhưỡng, vị trí và độ cao. Đây cũng chính là một lợi thế giúp sản phẩm vượt qua những đợt kiểm tra khắt khe nhất của các nước trên thế giới. Đấy là những thuận lợi đầu tiên của chè shan tuyết Suối Giàng khi phân phối và lan tỏa sản phẩm.

“Nhưng ngược lại thì chúng tôi cũng gặp rất nhiều các khó khăn. Trên đỉnh núi, điều kiện rất thiếu thốn, chúng tôi rất trăn trở về việc làm thế nào để áp dụng được công nghệ trong quá trình sản xuất, để không chỉ đơn thuần là ra được một sản phẩm tốt mà còn ra được một sản phẩm có yếu tố của công nghệ, khoa học, để hội nhập được với câu chuyện của thế giới. Thứ hai là phải đóng gói từ những nguyên liệu đạt chuẩn thế giới”, anh Đào Đức Hiếu nói.

Chè Suối Giàng được chọn làm sản phẩm quảng bá trong các sự kiện ngoại giao

Bên cạnh đó còn là câu chuyện văn hoá ẩn sau những họa tiết của bao bì. Đó là lý do mỗi hộp trà Suối Giàng đều có một lá cờ đỏ sao vàng và một dòng chữ là “Teabrand in Vietnam”. Đây là cách để chè Suối Giàng truyền tải được thông điệp của văn hóa, truyền tải thông điệp của những giá trị Việt không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà ở đó còn có câu chuyện, tự hào quốc gia.

"Giấy thông hành" đưa sản phẩm ra thế giới

Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị và tâm huyết của những người nặng lòng với chè, đến nay, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới.

Chè shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ.

Anh Đào Đức Hiếu nói, nhờ câu chuyện ẩn sau sản phẩm, đến nay, tỉnh Yên Bái rất quan tâm đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này. Hiện toàn bộ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đều ủng hộ và sử dụng sản phẩm làm quà tặng đối ngoại. Như vậy tại tỉnh Yên Bái, kênh tiêu thụ đầu tiên đã được triển khai theo diện rộng.

Tỉnh Yên Bái sử dụng chè Suối Giàng làm quà biếu trong các sự kiện ngoại giao

Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở tỉnh Yên Bái mà sản phẩm còn được tiếp cận với các Bộ, ban, ngành, Chính phủ và được lựa chọn làm đồ uống trong nghi lễ tiệc trà quốc gia. Ở đó, sản phẩm không chỉ là bày trên kệ nữa mà nó được kể bằng câu chuyện văn hoá của một sản phẩm nông nghiệp là niềm tự hào của một vùng đất.

Tiếp đó thì hệ thống sân bay cũng là một trong những kênh tiêu thụ tốt của chè Suối Giàng. HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn đưa sản phẩm tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như là Alibaba.com và Amazon. Dù sản lượng tiêu thụ chưa được nhiều nhưng việc có mặt trên các sàn quốc tế uy tín này là cơ hội để quảng bá và đưa sản phẩm ra thế giới.

Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã tìm được hướng tiêu thụ tốt, không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông sinh sống. HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… và lãnh đạo các bộ, ngành. Đặc biệt, HTX còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, sánh ngang với thương hiệu “trà đạo” của Nhật Bản.

Đây không chỉ là niềm vui của người dân và HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng như những người sản xuất ra sản phẩm chè Suối Giàng, mà còn khẳng định chất lượng, thương hiệu chè của tỉnh Yên Bái – một sản phẩm OCOP 4 sao và là niềm tự hào của người dân Việt” – anh Đào Đức Hiếu nói.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu

Sóc Trăng: Khai mạc Hội chợ OCOP và Liên hoan ẩm thực đường phố

Hàng trăm gian hàng sản phẩm OCOP vùng miền quy tụ tại TP. Hồ Chí Minh

Thị xã Quảng Yên: Hội đồng OCOP đánh giá kỹ lưỡng chất lượng 12 sản phẩm

Vĩnh Phúc có 141 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP

Sóc Trăng: 350 gian hàng sẽ quy tụ tại Hội chợ xúc tiến thương mại OCOP năm 2024

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng Nam Định

Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Tuyên Quang: Lần đầu xuất khẩu sản phẩm OCOP sang Vương quốc Anh

Bố Trạch- Quảng Bình: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Trung tâm đặc sản Việt Nam: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam

Thanh Hóa: Chủ thể OCOP cần sáng tạo để tăng khả năng cạnh tranh, đưa sản phẩm ra thị trường lớn

Tại sao sản phẩm OCOP Thanh Hóa chưa thể bứt phá?

''Bắt bệnh'' lý do sản phẩm OCOP vẫn còn vắng bóng tại các siêu thị

Đà Nẵng: Phiên chợ OCOP hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử

Kết nối giao thương sản phẩm OCOP Quảng Nam với các nhà cung cấp Đà Nẵng

Quảng Nam và Đà Nẵng 'bắt tay' quảng bá sản phẩm OCOP

70 gian hàng tham gia Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc