Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Đầy ắp dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp
Những năm qua, tỉnh Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế, là 1 trong 3 địa phương tại vùng ĐBSCL có tốc độ phát triển kinh tế cao (8%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2.356 tỷ đồng, xếp thứ 2 vùng ĐBSCL. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). Môi trường kinh doanh được cải cách mạnh mẽ, số DN tăng nhanh so với các tỉnh ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp |
Cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho hay, Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005. Tiên Giang đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng Duyên hải ĐBSCL.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km, cách trung tâm lớn nhất của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km và vùng ĐBSCL là TP. Cần Thơ khoảng 100 km - đây được xem là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng như: lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại với sản lượng lớn như: trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước, rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm, đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành rất có tiềm năng để tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh.
Quỹ đất phát triển phi nông nghiệp còn khá lớn. Đến thời điểm hiện nay, ngoài KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương có tỷ lệ lấp đầy 100%, các KCN hiện hữu còn quỹ đất cho phát triển như KCN Long Giang, KCN Soài Rạp và các cụm công nghiệp. Theo quy hoạch, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các Cụm công nghiệp như: Hậu Thành, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Tân Lý Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh. Hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp điện, cấp nước được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm...
Hiện nay tỉnh có trên 4.800 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm khoảng trên 700 DN; số DN này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với quy mô dân số gần 1,75 triệu người, Tiền Giang vừa là thị trường khá lớn so với vùng, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào, trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 1,35 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 47%. Nguồn nhân lực và vị trí địa lý thuận lợi chính là hai “báu vật” tặng các nhà đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản vật địa phương |
Cam kết tạo thuận lợi tối đa cho DN
“Để tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư, tỉnh đang cùng với VNPT chuẩn bị dự án Khu công viên phần mềm Mê Kông; liên kết với VNPT để định hướng xây dựng thành phố thông minh, nhằm tăng cường hỗ trợ DN, xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của DN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho DN |
Liên quan đến những ưu đãi cụ thể dành cho DN, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chia sẻ, tỉnh đã ban hành các cơ chế khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư, tỉnh chú trọng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, ưu tiên đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, các điểm du lịch và mạng lưới kết nối tuyến du lịch trong, ngoài nước như bến du thuyền, tàu cao tốc...
Ngoài các chính sách chung, tỉnh còn quy định riêng một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Cụ thể là các chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Theo đó, các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu dự án cho 31 dự án tiêu biểu đã thu hút được từ đầu năm 2018 đến nay với tổng vốn đầu tư 16.178 tỷ đồng. Cùng với đó, Tiền Giang cũng mời gọi các DN đầu tư vào 19 dự án trọng điểm của tỉnh trên các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, hạ tầng thương mại…với tổng vốn đầu tư 16.360 tỷ đồng. |
Đánh giá cao sự đoàn kết thống nhất trong công tác lãnh đạo và sự phát triển toàn diện của tỉnh Tiền Giang thời gian gần đây, đặc biệt là môi trường kinh doanh cũng như hiệu quả của đợt xúc tiến đầu tư của tỉnh Tiền Giang lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các DN nên nắm bắt thời cơ, đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh vì đây là 1 trong 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhất ĐBSCL.
“Các DN không nên chậm trễ trong việc triển khai các dự án đầu tư vào Tiền Giang vì Tiền Giang đang phát triển rất năng động. Với mức dư nợ tín dụng tương đương 63% của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng cho các DN tại địa phương này còn rất nhiều” -Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thăm gian hàng chế biến nông sản |
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh Tiền Giang còn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất trái cây và du lịch sinh thái. Tiền Giang cũng có sẵn các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu dành cho chế biến và nguồn lao động dồi dào. Vì vậy, bên cạnh việc phát huy các kết quả sẵn có, tỉnh cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các điểm nghẽn phát triển đặc biệt về quỹ đất cho DN. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch; tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại trong khiếu nại, đền bù giải phóng mặt bằng những năm qua để lại, rà soát lại các bất cập còn tồn tại trong nhân dân, giảm bớt sự căng thẳng giữa chính quyền và nhân dân; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho DN người dân, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; giải quyết các tồn đọng về thủ tục hành chính, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng… Song song với phát triển các DN công nghệ cao cần chú trọng phát triển DN, giải quyết nhiều việc làm để thu hút bớt lao động từ sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ luôn tạo mọi điều kiện về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.