Chủ nhật 20/04/2025 15:18

Năm 2024, Đồng Nai thu hút 1,45 tỷ USD vốn FDI

Trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai thu hút 1,45 tỷ USD vốn FDI (tăng 37%) và khoảng 138.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng gấp 21 lần vốn đăng ký so cùng kỳ.

Điểm sáng thu hút vốn FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2024, thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai có nhiều khởi sắc. Cụ thể, thu hút đầu tư trong nước, cấp mới 23 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 138.000 tỷ đồng, tăng 15% về số dự án và tăng gấp 21 lần vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,45 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cấp mới 87 dự án với tổng vốn đăng ký 735 triệu USD, còn lại chủ yếu là các dự án điều chỉnh tăng vốn do làm ăn có hiệu quả. Điểm sáng nguồn vốn đầu tư mới vào địa bàn là các dự án thuộc ngành nghề có chọn lọc, đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu mà đảng bộ, chính quyền tỉnh quán triệt, tập trung vào một số ngành sản xuất như: Ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai

Lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực là 1.106 dự án với số vốn hơn 465.998 tỷ đồng; số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực là 1.687 dự án với số vốn 35,2 tỷ USD. Trong năm, có 4.321 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 50 nghìn tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 20% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tăng gấp 2 lần về số vốn).

Các dự án trong khu công nghiệp có tỷ lệ giải ngân vốn đạt gần 80%. Hiện Đồng Nai đã thành lập 34 khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 11.500 ha, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng (khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành) và 2 khu công nghiệp mới được thành lập là Long Đức 3, Bàu Cạn-Tân Hiệp.

Nếu 3 khu công nghiệp này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để có đất cho doanh nghiệp thứ cấp thuê xây dựng nhà máy, thì Đồng Nai sẽ có thêm gần 10 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, việc triển khai Khu công nghiệp Long Đức 3 với diện tích 100 ha (xã Long Đức, huyện Long Thành) là bước đi chiến lược nhằm phát triển cơ sở dữ liệu số. Ngoài ra, Khu công nghệ cao Đồng Nai tại huyện Cẩm Mỹ sẽ được xây dựng với diện tích 497 ha, phục vụ nghiên cứu, đào tạo, và đổi mới sáng tạo tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số và phát triển công nghệ sinh học.

Đổi mới giải pháp thu hút nguồn vốn FDI

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các dự án FDI đầu tư tại Đồng Nai trong năm qua đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, tập trung vào một số ngành sản xuất như: ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Trong đó, có một số dự án nổi bật như: Nhà máy Điện tử Regza Việt Nam, thuộc Tập đoàn Hisense (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, tại Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành), chuyên sản xuất ti vi với công suất 150.000 sản phẩm/năm.

Hai dự án của Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) gồm: Dự án Advanced Optics của Công ty TNHH Coherent Việt Nam có tổng vốn đầu tư 29 triệu USD và Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam với số vốn đầu tư 54 triệu USD. Các dự án này chuyên sản xuất chất bán dẫn, thiết bị dụng cụ quang học.

Các doanh nghiệp nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động đầu tư tại Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, đặc thù tăng trưởng của Đồng Nai từ trước đến nay chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó, khối FDI chiếm hơn 70% (tương đương 60% GRDP), nhưng công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nội địa chưa phát triển, chưa cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, làm ảnh hưởng chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Để phát triển bền vững, Đồng Nai chú trọng xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc (nhất là các dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, điện toán đám mây, internet vạn vật...).

Thông qua các chính sách, giải pháp khuyến khích cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền, thuế, đất, hạ tầng, điện. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững tạo động lực tăng trưởng mới; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu, cụm công nghiệp Hàng Gòn; Cụm công nghiệp Quang Trung 1, Quang Trung 2 theo chuẩn khu, cụm công nghiệp xanh, sinh thái đáp ứng các quy chuẩn của Net-Zero.

Năm 2025, Đồng Nai tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, kiểm soát dự án, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ sạch. Đồng thời, nghiên cứu việc áp dụng nội dung Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị “về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” vào vấn đề đầu tư cho các dự án, kể cả việc đầu tư của doanh nghiệp trong nước.
Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Thu hút đầu tư nước ngoài