Tăng cường cơ chế phối hợp
Quy chế phối hợp được đưa ra để bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa ba Bộ trong công tác xây dựng và quản lý chủ dẫn địa lý (CDĐL) của Việt Nam; góp phần tích cực trong quản lý nhà nước về CDĐL, hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong hoạt động liên kết để phát triển các sản phẩm chủ lực của các tỉnh, vùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan đến CDĐL.
Việc ký kết quy chế phối hợp góp phần hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý phát huy tối đa hiệu quả |
Nội dung phối hợp giữa ba Bộ bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CDĐL; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến CDĐL; phối hợp phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL trên thị trường; phối hợp hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL; thành lập hội đồng tư vấn CDĐL nhằm tư vấn cho Bộ trưởng ba Bộ và các cơ quan liên quan về xây dựng và quản lý CDĐL ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ ký kết |
Quy chế phối hợp giữa ba Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 Bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng Bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL và cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì vấn đề sở hữu trí tuệ, CDĐL là vấn đề gai góc, khó khăn nhất trong quá trình đàm phán. Để thị trường trong và ngoài nước biết đến nông sản Việt Nam, tăng giá trị cho các sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, CDĐL đã ngày càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng. CDĐL gắn liền với những gì đặc sắc của Việt Nam, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chăm sóc, chế biến... CDĐL đã trở thành một dấu hiệu quen thuộc cho người tiêu dùng, cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách đăng ký CDĐL ở một số thị trường quan trọng cho nông sản của Việt Nam.
Tại lễ ký kết, có đại diện của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế |
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định, nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho các hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa xuất khẩu nói riêng, đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, CDĐL đã được quan tâm hơn nhưng các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của vấn đề này. Quyết định thành công đến việc xây dựng CDĐL, ngoài vai trò hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý, cần sự tham gia tích cực và có tính chủ động của các địa phương, hiệp hội, đặc biệt là doanh nghiệp.
Trước vấn đề này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, việc phối hợp xây dựng và quản lý CDĐL có ý nghĩa quan trọng và là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt Nam. Hiện nay, tại thị trường trong nước và thế giới đều rất quan tâm và đặt vấn đề về truy xuất nguồn gốc. Vì vậy việc xây dựng CDĐL hết sức cần thiết. Các sản phẩm CDĐL cũng góp phần nâng giá trị sản phẩm gấp nhiều lần...