Do thói quen truyền thống nên các chủ tàu cá hiện nay vẫn chưa muốn tham gia đóng mới tàu vỏ thép (ảnh chụp xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)
Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, trên cơ sở đăng ký của các chủ tàu cá và kết quả thẩm định của các cấp xã, huyện và Tổ Giúp việc thẩm định danh sách tàu cá đủ điều kiện đăng ký thực hiện theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 39 tàu cá đăng ký đóng mới, trong đó có 03 tàu vỏ thép. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt danh sách 14 tàu cá đăng ký nâng cấp, 264 tàu cá đăng ký vay vốn lưu động, 116 tàu cá đăng ký hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm và 63 tàu dịch vụ hậu cần đăng ký tham gia vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cho 19 tàu với tổng số tiền hỗ trợ là 1,28 triệu đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, mặc dù đóng tàu vỏ thép có mức ưu đãi cao hơn nhưng do thói quen truyền thống nên các chủ tàu cá hiện nay vẫn chưa muốn tham gia đóng mới tàu vỏ thép. Do giá máy mới cao gấp 3 lần so với máy đã qua sử dụng vì vậy các chủ tàu cá theo thói quen vẫn muốn được lắp đặt máy đã qua sử dụng khi tham gia Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Tiến độ thực hiện các dự án đóng mới sau thời gian bị chậm bởi lúc đầu chưa có mẫu thiết kế và trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 05 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu vỏ gỗ nên một số chủ tàu cá đã hoàn tất các hồ sơ thiết kế, vay vốn nhưng chưa khởi công được. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản được thực hiện thuận lợi.
Việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá thực hiện chậm, giới hạn đối tượng được hỗ trợ do điều kiện ràng buộc để được tham gia hỗ trợ là tàu cá phải là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã. Bên cạnh đó thủ tục để được hỗ trợ còn rườm rà, kinh phí hỗ trợ không nhiều (bảo hiểm thuyền viên) nên các chủ tàu chưa thật sự quan tâm, tự bỏ tiền ra mua hoặc đã tham gia chính sách hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác hải sản vùng biển xa.