Tiền Giang mời gọi đầu tư 40 dự án trọng điểm, vốn gần 54.000 tỷ đồng
Ngày 24/3, tại TP. Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 với chủ đề Tiền Giang “Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các tổ chức, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị, Tiền Giang công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; công bố danh mục dự án ưu tiên, mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong tổng thể chung của vùng và cả nước, quy hoạch tỉnh Tiền Giang được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Thủ tướng cho rằng, quy hoạch của tỉnh Tiền Giang đã mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố của cả nước. Đồng thời, thống nhất cao với mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đề ra.
Để tỉnh Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại như mục tiêu đề ra, Thủ tướng lưu ý, Tiền Giang cần triển khai thực hiện hiệu quả "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang.
Nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Ba đẩy mạnh là đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, các ngành phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chọn Tiền Giang là nơi để thực hiện các dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch. Cùng với đó, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định, cơ chế, chính sách…
“Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Tiền Giang: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được, tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho tỉnh Tiền Giang” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Đối với nhân dân, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn để nhân dân hiểu, nắm rõ bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần ""Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm – Dân thụ hưởng".
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án |
Phát biểu đáp từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cam kết: Tỉnh Tiền Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau hội nghị hôm nay, tỉnh sẽ bổ sung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng vào chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để Tiền Giang thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch như đã đề ra. Đồng thời, cảm ơn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã quan tâm, chọn lựa Tiền Giang là nơi để triển khai nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và quyết định đầu tư các công trình, dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy tỉnh Tiền Giang phát triển đúng định hướng quy hoạch.
Ngay tại hội nghị, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng số vốn gần 17.000 tỷ đồng và trao quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác với tổng số vốn khoảng 37.000 tỷ đồng. Đáng chú ý tại sự kiện này, tỉnh Tiền Giang giới thiệu và ưu tiên mời gọi 40 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 53.900 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án với tổng vốn đầu tư 38.470 tỷ đồng); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án với tổng vốn đầu tư 3.730 tỷ đồng); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án, tổng vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng); nông nghiệp (3 dự án, vốn đầu tư 1.479 tỷ đồng”. Đặc biệt, Tiền Giang mời gọi đầu tư 12 dự án công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Soài Rạp; Cụm công nghiệp Long Trung; Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây; Cụm công nghiệp Mỹ Phước 1; Cụm công nghiệp Mỹ Phước 2; Cụm công nghiệp Mỹ Phước 3; Cụm công nghiệp Đồng Sơn; Cụm công nghiệp Mỹ Lợi; Cụm công nghiệp Long Bình; Dự án Khu đất mời gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản và các tiện ích kèm theo (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành); Dự án Khu đất mời gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản và các tiện ích kèm theo (xã Long Định, huyện Châu Thành); Dự án Khu đất mời gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản và các tiện ích kèm theo (xã Long Định, huyện Châu Thành), với tổng vốn đầu tư 8.860 tỷ đồng. |