Chủ nhật 22/12/2024 14:12

Tiền Giang: Bàn giải pháp tăng cường kết nối logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Việc tối ưu hóa các giải pháp logistics giúp Tiền Giang nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, đồng thời thúc đẩy xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.

Ngày 1/11, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, diễn ra Hội nghị định hướng phát triển dịch vụ logistics với chủ đề: “Tăng cường kết nối logistics thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Theo đó, Tiền Giang có vị trí địa lý kinh tế - chính trị khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông - kinh tế quan trọng tạo cho Tiền Giang vị thế cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, với ưu thế 32 km bờ biển cùng hệ thống sông ngòi kênh rạch dày đặc, với vị trí địa lý thuận lợi, Tiền Giang là cửa ngõ giao thương quan trọng nối liền các khu vực miền Tây với các tỉnh thành trong cả nước và thị trường quốc tế, giúp tỉnh phát triển dịch vụ logistics khá thuận lợi.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết: Hiện nay tỉnh có khoảng 250 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu. Các sản phẩm có xuất xứ từ Tiền Giang được xuất khẩu đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt gần 5 tỷ USD, tăng 11,27% và đạt 99,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 77,62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (may mặc, kim loại thường, giày)…

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của Tiền Giang 10 tháng đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 16,87% so với cùng kỳ và đạt hơn 104% so kế hoạch năm. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 92,54% trên tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu đồng, nguyên phụ liệu may, da giày, túi xách, vải nguyên liệu, các nguyên vật liệu khác (thức ăn gia súc, nguyên liệu dược phẩm, chất dẻo nguyên liệu…).

Trong đó, logistics đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các tỉnh có lợi thế về giao thương như Tiền Giang. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa các giải pháp logistics không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vận chuyển mà còn góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sự phát triển của ngành logistics càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, Tiền Giang hội tụ nhiều điều kiện “riêng có” để phát triển trở thành một trung tâm kết nối giao thương kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế khác và quốc tế.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Thực tế những năm qua, dịch vụ logistics đã khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. “Đây là nhân tố quan trọng trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho cả tỉnh”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tiền Giang vẫn còn khó khăn, thách thức do chịu tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún, khô hạn và xâm nhập mặn; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế… Đặc biệt trong hoạt động logistics tại Tiền Giang vẫn còn một số hạn chế lớn như: Liên kết dịch vụ logistics giữa Tiền Giang và các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển; sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển bị kéo dài.

Bên cạnh đó, hệ thống logistics, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số vấn đề như hạn chế trong khai thác vận tải đa phương thức; chưa có trung tâm logistics quy mô xứng tầm; ứng dụng công nghệ đặc biệt trong thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới còn ở mức thấp. Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.

Để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tối ưu hóa các giải pháp, tại hội nghị các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp đã tập trung chia sẻ, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực. Đồng thời đưa ra những giải pháp, kế hoạch thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cải thiện khả năng kết nối và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Tiền Giang.

Bà Võ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị về kế hoạch định hướng chiến lược phát triển logistics đến 2035 của tỉnh Tiền Giang, bà Võ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng: Tiền Giang nên ưu tiên phát triển hệ thống đường thủy nội địa liên thông kết nối với hệ thống đường thủy đường bộ cảng hàng không; phát triển hệ thống trung tâm logistics và kết nối vận tải đa phương thức (không nên dùng từ “hậu cần” trong các văn bản).

Đối với dự án phát triển đột phá: Trung tâm Logistics Nông nghiệp theo chủ chủ trương đã được Bộ Nông nghiệp đề xuất, Thủ tướng có Công điện chỉ đạo. “Ngoài ra, nên phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics, trong đó chú trọng đặc biệt phát triển các công ty hoạt động thực tế trên địa bàn; thúc đẩy việc thành lập Hội Logistics Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng,…”, bà Võ Thị Phương Lan nêu kiến nghị.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải đề nghị, chính quyền tỉnh Tiền Giang quan tâm tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các Nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Cùng với đó, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 6/10/2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung nội dung “Chuyển đổi các hạ tầng logistics, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logstics”. Và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi trong phát triển hoạt động thương mại, logistics qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

“Ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics và chế biến nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của dịch vụ và giảm chi phí phù hợp”, ông Trần Thanh Hải đề nghị

Ngoài ra, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao thương quốc tế, đóng vai trò kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực. Đồng thời khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển.

“Tỉnh Tiền Giang cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ ở cả cấp quản lý và doanh nghiệp…; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề nghị.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024

Quảng Ninh: Hạ Long tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị cho bầu cử