Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài: "Cánh tay nối dài" đưa hàng Việt vươn xa
Ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ:
Khai thác tối đa các phương thức hoạt động
Ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ |
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chủ động khai thác tối đa các phương thức hoạt động, cả trực tiếp và trực tuyến.
Cụ thể, chúng tôi đã bám sát tình hình, tổng hợp, phân tích và báo cáo, tham mưu chính sách với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để tiếp tục duy trì đối thoại và môi trường chính sách thuận lợi, phục vụ phát triển hợp tác kinh tế, thương mại. Nổi bật là việc tham gia, hỗ trợ quá trình tham vấn, tiến tới kết thúc thuận lợi các cuộc điều tra theo mục 301 lần đầu tiên Hoa Kỳ khởi xướng với Việt Nam; hỗ trợ tích cực hoạt động của các doanh nghiệp thông qua hơn 20 hội nghị xúc tiến thương mại, phiên tư vấn thị trường trực tuyến, nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, xác minh thông tin doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tham gia các tiến trình pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của Việt Nam như vụ thương hiệu gạo ST25...
Những hoạt động trên đã góp phần không nhỏ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu song phương lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, tăng trưởng khá ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, tiếp tục củng cố vị trí của Hoa Kỳ - là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin và hỗ trợ triển khai các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với các đối tác Hoa Kỳ khi điều kiện cho phép; tích cực phối hợp với các bộ/ngành, hiệp hội ngành hàng triển khai các phiên tư vấn thị trường, hội nghị xúc tiến thương mại tập trung vào các nhóm mặt hàng khác nhau; đẩy mạnh các hoạt động dự báo chính sách, thị trường để các cơ quan thực thi chính sách cũng như doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ireland):
Nỗ lực xúc tiến nông sản tiêu thụ nông sản tại thị trường Anh
Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ireland) |
Năm 2021, nhiều loại trái cây Việt Nam tiếp tục có "mùa quả ngọt" khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả sang thị trường Anh tăng khá. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sang Anh 11 tháng năm 2021 đạt gần 17,7 triệu USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả trên có đóng góp không nhỏ của Thương vụ Việt Nam tại Anh. Trong năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức 7 chương trình xúc tiến thương mại và giao thương trực tuyến trong đó có 2 chương trình xúc tiến thương mại nông sản và 1 chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về GlobalGAP – hộ chiếu cho nông sản tiếp cận thị trường châu Âu. Thông qua những chương trình này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu biết về cơ hội và thách thức thị trường, cũng như biết cách xây dựng chiến lược tạo lập quan hệ bạn hàng và phát triển thị trường bền vững dựa trên chất lượng sản phẩm và khả năng thực hiện cam kết. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối nông sản Anh biết nhiều hơn về những kỳ tích của nông nghiệp Việt Nam và thể hiện sự quan tâm đến các loại trái cây đặc sản nhiệt đới của Việt Nam. Một số thương nhân tại chợ đầu mối thực phẩm Birmingham và London đã nhập bưởi, chanh, thanh long, vải, chuối và nhãn, dừa đóng hộp từ Việt Nam.
Khách hàng Australia chọn mua vải tươi Việt Nam |
Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Thương vụ còn trực tiếp phối hợp với Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại quốc tế Anh tháo gỡ khó khăn về thủ tục để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với các loại gạo thơm xuất khẩu sang Anh ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Niệt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu):
Tận dụng EVFTA để đưa hàng Việt vào Bắc Âu
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức đi vào thực thi từ tháng 8/2020. Hiệp định đã, đang và sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu) |
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Bắc Âu (Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) đạt 1,86 tỷ USD. 10 tháng năm 2021, con số này đạt 1,74 tỷ USD, tăng 0,04% so với cùng kỳ.
Mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây là gạo. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,6 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi trước năm 2019, con số này chỉ vài chục ngàn cho đến hơn 100.000 USD. Đối với nhóm hàng may mặc và phụ kiện quần áo, nhập khẩu của Thuỵ Điển từ Việt Nam trong 9 tháng 2021 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng giày dép, các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Bangladesh, Campuchia, Indonesia đều sụt giảm kim ngạch từ 10%-19%, trong khi Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
Góp phần vào thành tích chung này, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, đổi mới xúc tiến thương mại, tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Trang website Thị trường Bắc Âu của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã dần quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 2 năm vừa qua, Thương vụ đã xuất bản 14 cuốn sách điện tử về từng thị trường Bắc Âu và một số ngành hàng tiêu biểu của Việt Nam như nông sản, cà phê, thực phẩm hữu cơ, nhựa và các sản phẩm nhựa, giày dép… Thương vụ cũng sử dụng website tiếng Anh để giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và quảng cáo cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam đến các doanh nghiệp Bắc Âu.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan:
Thực thi nhiệm vụ là chiến sĩ tuyến đầu trên "mặt trận kinh tế"
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan |
Chúng tôi, cũng như những Thương vụ khác, là những chiến sĩ tuyến đầu trên "mặt trận kinh tế", bất chấp những khó khăn của dịch bệnh, giãn cách tại nước sở tại, cố gắng kết nối doanh nghiệp, đưa hàng Việt đến thị trường nước bạn càng nhiều càng tốt.
2021 là năm đầu tiên quả vải, quả nhãn Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Hà Lan, tuy là kết quả bước đầu nhưng cũng đánh dấu nỗ lực lớn của các đơn vị có liên quan đưa trái cây tươi Việt Nam vượt qua các quy định khắt khe của EU đến tay người tiêu dùng Hà Lan. Đây cũng là tín hiệu tốt cho vụ mùa 2022 nếu chất lượng hàng hóa được duy trì và đủ nguồn cung. Ngoài ra, Thương vụ cũng tăng cường quảng bá các sản phẩm thực phẩm từ nông sản Việt như rau, củ, quả đông lạnh, sấy khô, bún, phở khô, cà phê rang xay, hòa tan… thông qua tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại 2 siêu thị ở Hà Lan.
Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được truyền thông, quảng bá tại Hà Lan. Chương trình đã được Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan giới thiệu trên Tạp chí Nhà ngoại giao của Hà Lan, mở đường một loạt bài về các ngành hàng cũng được đăng tải trên Tạp chí này và các website có uy tín của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng Hà Lan.
Năm 2022, Thương vụ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Hà Lan thông qua đẩy mạnh kết nối giao thương cho các doanh nghiệp tại các địa phương có trái cây đặc sản như bưởi Vĩnh Long, dừa Bến Tre, vải Hải Dương, Bắc Giang, chanh leo Gia Lai, cà phê Arabica Lâm Đồng… Đồng thời, mở rộng thị trường cho mặt hàng gốm sứ, sản phẩm từ cao su, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến; chủ động tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý, đó là: Công nghiệp chế tạo, năng lượng mới, công nghiệp phụ trợ… từ đó có những hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore:
Hiệu quả từ số hóa xúc tiến thương mại
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore |
Dịch Covid-19 đã giúp Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhận thức được sự cần thiết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ, kết nối đầu tư công nghiệp và năng lượng thông qua các hình thức hội họp trực tuyến, hội nghị, hội thảo kết hợp với tham quan triển lãm trực tuyến/triển lãm ảo. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo và hạ tầng logistics. Nhiều dự án hợp tác đầu tư quan trọng như điện khí Bạc Liêu, siêu cảng Vĩnh Phúc, LNG Long An đã được Thương vụ hỗ trợ kết nối làm việc trực tuyến với các đối tác ở Việt Nam để đi đến thành công. Đặc biệt năm 2021, Thương vụ là đơn vị đi đầu triển khai Triển lãm Hybrid kết hợp giao thương trực tuyến với trưng bày trực tiếp các sản phẩm tại Singapore. Triển lãm ngay lập tức đã thể hiện tính hiệu quả của hình thức kết hợp kết nối trực tuyến với trưng bày trực tiếp với nhiều sản phẩm sau triển lãm đã thực sự hiện diện tại các hệ thống siêu thị ở Singapore từ tháng 12/2021.
Năm 2021, Thương vụ còn phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Diễn đàn "Đầu tư vào Việt Nam - Tiêu điểm đầu tư công nghiệp" tại Singapore, kết hợp với thử nghiệm cho các doanh nghiệp của Singapore và các doanh nghiệp đa quốc gia đóng tại Singapore tham quan trực tuyến Hội chợ quốc tế Việt Nam 2021 và kết nối đầu tư trực tuyến với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Nghệ An, Khánh Hòa. Hoạt động thử nghiệm này đã thu hút được sự quan tâm đăng ký tham gia của hơn 100 doanh nghiệp từ Singapore và được đông đảo các cơ quan tổ chức tại Singapore đánh giá rất cao.
Ngoài ra, Thương vụ cũng hỗ trợ quảng bá và kết nối các doanh nghiệp thành viên của Ủy ban công nghiệp nội thất Singapore tham quan Triển lãm ảo 3D về nội thất của Hawa và kết nối giao thương trực tuyến tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp đồ gỗ của Việt Nam. Bên cạnh đó, Thương vụ còn tổ chức các cooking shows, hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam, giúp người dân Singapore có thêm thông tin về ẩm thực Việt Nam, từ đó quan tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để chế biến bữa ăn.
Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore |
Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia:
Đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tại Australia
Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia |
Năm 2020, Thương vụ đã ra mắt ứng dụng Viet-Aus Trade nhằm cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời kết nối quảng bá địa phương, giới thiệu cơ hội đầu tư, sản phẩm hình thành chuỗi cung ứng. Ứng dụng này được giới thiệu đến hàng nghìn nhà nhập khẩu, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Australia và các đảo quốc lân cận để tạo thành mạng lưới mạnh, hợp nhất liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương Việt Nam. Đáng chú ý, với ứng dụng này, Thương vụ đã tổ chức triển lãm số, cung cấp 400 gian hàng trên nền tảng số cho doanh nghiệp; xây dựng thành công thương hiệu triển lãm trực tuyến nguồn hàng Việt Nam tại Australia.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất được Thương vụ xác định hiện nay không chỉ là kết nối giao thương, mà cần tạo được nhu cầu của thị trường ở thời điểm hàng hóa Việt Nam chưa đến nước sở tại và đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tại thị trường.
Đơn cử như mặt hàng nông sản, trước đây phần lớn không có thương hiệu, chỉ bán ở chợ, người tiêu dùng chỉ biết đó là hàng của Việt Nam nhưng không biết của doanh nghiệp nào. Do đó, trước khi mặt hàng sầu riêng, quả sấu, chanh leo đông lạnh đến thị trường Australia, Thương vụ đã nghiên cứu tâm lý tiêu dùng và triển khai một loạt hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số để tạo nhu cầu đi trước. Từ đó, sẽ mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác cũng thâm nhập vào thị trường này.