Thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học Xúc tiến thương mại: "Chìa khóa" nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Sóc Trăng |
Biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng
Là tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu Nam sông Hậu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng được biết đến là vùng đất nông nghiệp trù phú, với nhiều sản phẩm đặc trưng và nhiều làng nghề lâu đời.
Bánh Pía hiện là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng |
Theo ghi chép của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó nhiều nhất là ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, ngành nghề nông thôn tại Sóc Trăng vì thế không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con khu vực nông thôn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Trong số các nghề truyền thống của địa phương này, bánh Pía được biết đến là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống lâu đời.
Việc sản xuất bánh Pía hiện được đầu tư theo hướng hiện đại hơn, không còn thủ công như trước đây |
Ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ thế kỷ 17, bánh Pía đã xuất hiện ở Sóc Trăng, đây là một loại bánh do người Hán di cư mang sang Việt Nam. Tuy nhiên, qua thời gian bánh Pía đã được biến tấu, thay đổi theo khẩu vị người Việt và trở thành đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.
Ông Sơn cho biết, trước đây việc làm bánh Pía hoàn toàn mang tính thủ công, tất cả các quy trình làm ra chiến bánh Pía đều bằng tay và các lò bánh Pía tập trung nhiều ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (tên dân gian gọi là Vũng Thơm).
Ấn lượng làng nghề Vũng Thơm
Nằm cách TP. Sóc Trăng khoảng 10 km về hướng tây bắc, làng nghề làm bánh Pía ở Vũng Thơm được xác nhận là đã có từ khoảng 80 - 100 năm xuất phát từ những gia đình gốc Hoa làm bánh để ăn và bán cho những người dân trong vùng qua những tiệm tạp hóa, quán nước, các khu chợ,...
Lò bánh Công Lập Thành của ông Âu Minh Xương được coi là một trong những lò bánh đầu tiên ở Vũng Thơm. Từ lúc 9 - 10 tuổi, ông Xương đã đi ở cho một lò bánh Pía uy tín trong vùng để học nghề làm bánh Pía và ông Xương đã học ròng rã hơn 20 năm, ông trở thợ giỏi và mở cơ sở riêng. Để ghi nhớ và nhắn nhủ con cháu đời sau phải bền chí lập nghiệp, ông đặt tên cơ sở của mình là Công Lập Thành.
Ngoài Công Lập Thành, Sóc Trăng hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh Pía có tiếng, và nhiều trong số này đều xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP địa phương. Có thể kể tới như Tân Huê Viên, Lương Trân, Tân Hưng Lợi…
Dây chuyền hiện đại được đầu tư của Tân Huê Viên |
Sản phẩm được sản xuất đạt các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm |
Có mặt tại xưởng bánh Pía của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Bánh Pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên, chúng tôi được ông Hái Hược - Giám đốc Nhân sự - Tài chính Công ty giới thiệu về quy mô mà doanh nghiệp này đang vận hành.
Không giống trong tưởng tượng của chúng tôi về một làng nghề truyền thống, thủ công, xưởng bánh Pía Tân Huê Viên được vận hành bởi máy móc hiện đại, quy mô lớn và lượng nhân công lên tới gần 1.000 người. Điều đặc biệt, trong số này có tới 80% là con em dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Hái Hược, hiện các sản phẩm của Tân Huê Viên đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Từ quy mô nhà xưởng ban đầu trên diện tích 1 ha được hình thành năm 1985 ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, đến nay Tân Huê Viên đã đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200m2, gồm 4 tầng có bố trí khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ để du khách có thể tìm hiểu, thể nghiệm và thưởng thức sản phẩm.
“Hiện các sản phẩm của chúng tôi đều đạt chứng nhận OCOP của Sóc Trăng. Bình quân mỗi năm chúng tôi sản xuất 70.000 tấn bánh Pía phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu qua nhiều quốc gia như Australia, Canada, Singapore, Trung Quốc...”- ông Hái Hược chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Công Thương Sóc Trăng, từ những cơ sở sản xuất ban đầu, tới nay toàn tỉnh đã phát triển được 55 cơ sở sản xuất bánh Pía với tổng công suất ước tính trên 40.000 tấn/năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động nông thôn, trong đó có khoảng 22 cơ sở sản xuất với quy mô lớn, công suất khoảng 3.500 tấn/năm... Các cơ sở còn lại chủ yếu hoạt dộng sản xuất theo mùa vụ, nhỏ lẻ vào các dịp Tết Trung Thu.
“So với trước đây, các cơ sở bánh Pía đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc. Các cơ sở, lò bánh Pía ra đời ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Rất nhiều cơ sở đã xây dựng sản phẩm chất lượng và đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao của địa phương. Đặc biệt, không chỉ ở phạm vi nội tỉnh, bánh Pía Sóc Trăng hiện đã tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước và còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới”- ông Hứa Trường Sơn cho biết thêm.
Thương mại hóa nâng tầm cho bánh Pía vươn xa
Hiện nay, nghề làm bánh Pía ở Sóc Trăng không còn đơn thuần là một nghề thủ công theo kiểu thủ công truyền thống mà đã được thương mại hóa một phần nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng không vì thế mà nó mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi của nó.
Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng luôn ý thức việc bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống theo hai khía cạnh: Quản lý về doanh nghiệp và Quản lý về văn hóa làng nghề. Các công ty, cơ sở, lò sản xuất bánh Pía được quản lý bởi Luật doanh nghiệp. Trên cơ sở đó khuyến khích, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng các yêu cầu hội nhập.
Cụ thể, Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có những quyết sách nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng đều và có sức vươn ra thị trường quốc tế. Trong số các biện pháp lớn được tỉnh đưa ra, biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất có thể xem là hai biện pháp trọng tâm.
Ngoài tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho doanh nghiệp, tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm bánh Pía ở Sóc Trăng, từ đó các thành viên trong Hội bánh Pía người Hoa Sóc Trăng sử dụng thương hiệu chung này để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Đặc biệt, theo xu thế của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới trang thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP để cạnh tranh trên thương trường khi hội nhập.
“Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, thay thế thủ công bằng máy móc, không ngừng cải thiện điều kiện ăn ở và chế độ lương bổng cho công nhân để kích thích sức sản xuất. Công ty cũng luôn cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm để tăng vẻ mỹ quan và sức hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng. Đồng thời không ngừng nghiên cứu ra công thức và phương pháp sản xuất mới để kéo dài tuổi thọ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo khách hàng”- ông Hái Hược chia sẻ.
Người tiêu dùng tại nội địa ưa chuộng sản phẩm bánh Pía Sóc Trăng |
Tương tự, bà Châu Yến Linh - Chủ DNTN Yến Linh - cho biết: Nhờ tập trung đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP mà sản lượng và chất lượng của bánh Pía đã được nâng lên. Điều đặc biệt là thời gian bảo quản bánh còn được kéo dài hơn, từ chỗ chỉ được 1 tháng thì nay đã để được 6 tháng, giúp việc tiêu thụ tới các địa phương khác thuận lợi hơn. “Sản phẩm của chúng tôi hiện không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn mở rộng tới các tỉnh phía Bắc và được xuất khẩu qua 8 quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Úc…”- bà Linh cho biết thêm.
Cũng bắt nhịp xu thế, Công ty TNHH bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát đã đầu tư ứng dụng 1 lò nướng bánh băng chuyền với công suất 50 đến100 cái/phút và 1máy gói bánh, bao nhân tự động với công suất 50 đến 100 cái/phút để phục vụ cho việc sản xuất với công suất 90 tấn/năm. Theo ông Từ Nghiêm Toản - Giám đốc Công ty TNHH Bánh pía - Lạp xưởng Tân Lộc Phát, việc đầu tư móc thiết bị mới, tiên tiến giúp công ty nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được sức lao động.
Theo đánh giá của ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, trong thời gian đại dịch Covid cũng như hiện tại dù thì trường còn chưa phục hồi như trước dịch song nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh Pía đã chủ động linh hoạt trong kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, tham gia hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường. Qua đó giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ở nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài.
“Trong kế hoạch sắp tới, để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp bánh Pía địa phương phát triển, vươn xa hơn, Sở Công Thương sẽ khảo sát thông tin, nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó có tư vấn cho doanh nghiệp trong việc đổi mới mẫu mã, chất lượng để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến tiêu dùng ở địa phương và các tỉnh thành khác”- ông Hứa Trường Sơn cho biết.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống này, ngày 30/9/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 2728/QĐ-BVHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống: "Nghề làm bánh Pía của người Hoa ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng". Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - thương hiệu sản phẩm bánh Pía truyền thống, tỉnh cần tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị "Nghề làm bánh Pía truyền thống" trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng các cấp. Tăng cường công tác truyền dạy di sản "Nghề làm bánh Pía truyền thống" tại cộng đồng và trong các hộ gia đình. Tôn vinh những nghệ nhân, các tổ chức và cá nhân có công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. |