Thương mại điện tử xuyên biên giới: Đừng bỏ lỡ cơ hội
Để khai thác lợi ích từ thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt cơ hội, đồng thời chuyên nghiệp trong nhận diện rủi ro và giải quyết tranh chấp.
Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung, tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương), thương mại điện tử - Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Covid-19 đã thay đổi phương thức tiêu dùng và sở thích mua sắm của nhiều người. Trong bối cảnh này, nhiều DN đã phải tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình vận hành, điều chỉnh về sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.
Khách hàng của sàn thương mại điện tử ngày càng được mở rộng |
Theo khảo sát được Bộ Công Thương thực hiện với hơn 10.000 DN nội địa, trong hai năm 2020 - 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Năm 2021, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm. Đối tượng và số lượng khách hàng cho DN hiện đã được mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị với lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021. Bên cạnh đó, một số sàn lớn cũng ghi nhận việc DN thực phẩm đồ uống, đồ tươi sống đã bắt đầu "lên sàn". 6 tháng đầu năm 2021, ở khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ năm 2020.
Với tiềm năng phát triển lớn nhưng rõ ràng, không phải DN nào cũng tận dụng thương mại điện tử thành công. Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Trọng Thêm - Giám đốc Công ty Luật LTT & Lawyers - cho rằng, kinh doanh luôn có những rủi ro, đặc biệt trong thương mại điện tử, khi người bán và người mua chưa gặp nhau. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, chi tiết và cụ thể, tìm hiểu và nắm bắt "luật chơi" trên các sàn thương mại điện tử để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ thiệt hại về kinh tế. Cùng với đó, DN nên tham gia vào các hiệp hội, tăng cường sự kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để tìm sự hỗ trợ trong việc giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn gặp phải trong quá trình hoạt động.
Đưa ra lời khuyên cho DN, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - nhấn mạnh, bên cạnh việc tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, DN phải đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.
Đặc biệt, "DN nên nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nhập khẩu" - ông Đặng Hoàng Hải lưu ý.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách về TMĐT; cải cách hành chính và hỗ trợ DN tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới. |