Thứ hai 23/12/2024 12:14

Thương mại điện tử thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu trong đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch, phần lớn doanh nghiệp đánh giá việc sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử phục vụ mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu trực tuyến

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 vừa được công bố tại “Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum -VOBF 2022)” ngày 12/5 cho thấy, năm 2021 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,6% so với năm trước thì ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%.

Trước khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai.

Đặc biệt, báo cáo cũng chỉ ra, về giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), các kênh như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hay website của doanh nghiệp đang dần trở thành kênh chính để nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng.

Hiện 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu

Trong đó, thông qua các nền tảng di động, khảo sát năm 2021 cho thấy có tới 88% doanh nghiệp nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí ở mức tối đa để duy trì hoạt động.

Theo đó, có tới 69% doanh nghiệp chi dưới 20 triệu đồng cho chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động trong cả năm. Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, 47% doanh nghiệp đánh giá vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là tương đối quan trọng.

“Nếu xét về quy mô doanh nghiệp thì có 21% doanh nghiệp lớn đánh giá vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở mức rất quan trọng. Tỷ lệ này gấp đôi so với tỷ lệ của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (9%)” – báo cáo nêu.

Một điểm đáng lưu ý là 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Tỷ lệ này trong nhóm doanh nghiệp lớn cao gấp đôi so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá việc sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả.

Tiêu dùng xanh là xu hướng

Chia sẻ thêm về xu hướng của thương mại điện tử trong những năm tới, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, thương mại điện tử là biện pháp tiếp cận kinh tế - xã hội, đã minh chứng trong thời gian vừa qua, nhất là trong dịp giãn cách xã hội vì Covid-19 giúp cho giao thương thuận lợi hơn.

Song hành với kênh truyền thống, thương mại điện tử đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. VECOM đã kết hợp với các địa phương để phát triển, ứng dụng thương mại điện tử vào các ngành hàng để lan tỏa, từ giao hàng, mua sắm, đến giáo dục từ xa. Chắc chắn thời gian tới, nhận thức, cũng như thói quen sẽ thay đổi.

“Từ bà nội trợ ở nhà có thể đi chợ thông qua sàn thương mại điện tử sẽ nhận thấy được tiện ích của mua sắm, tiềm năng mua bán hàng. Qua đó sẽ kích cầu, cũng như phát triển thương mại điện tử phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Năm 2023, VECOM sẽ phối hợp với Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ đào tạo cho khoảng 500.000 thanh niên kinh doanh về thương mại điện tử - ông Nguyễn Ngọc Dũng dẫn dụ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm, tiêu dùng xanh là xu hướng tiêu dùng thông thái với việc các DN làm ra các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng tích cực hưởng ứng. Khi đó sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giám đốc Đối ngoại Lazada - bà Vũ Thị Minh Tú cho biết thêm, cần phải nói rằng, thời kỳ đầu của thương mại điện tử, người tiêu dùng khi lên sàn sẽ tìm kiếm sản phẩm có giá trị thấp, nhỏ lẻ bởi lòng tin và sự hiểu biết về mua sắm thương mại điện tử chưa nhiều. Tuy nhiên, gần đây đã có sự dịch chuyển bằng việc quan tâm của khách hàng với uy tín của nhà bán hàng, chất lượng sản phẩm đã tăng lên rõ rệt.

Đặc biệt, Lazada cũng hướng tới quan tâm đến thói quen của người tiêu dùng với các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, có trách nhiệm hơn. Đơn cử trong dịp hưởng ứng Giờ trái đất vừa qua, doanh nghiệp đã phối hợp với các thương hiệu lớn đưa các sản phẩm được sản xuất, đóng gói tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng.

Gợi ý thêm về mặt giải pháp, bà Tú cho rằng, hệ sinh thái thương mại điện tử của Lazada dựa trên trụ cột chính là công nghệ và logistics. Đó là chiến lược lâu dài và đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngoài ra, đó cũng là công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt lên sàn, kinh doanh online một cách chuyên nghiệp, dễ dàng, hiệu quả hơn, tăng được tương tác với tệp khách hàng tiềm năng. Thông qua các hoạt động như vậy, các doanh nghiệp sẽ góp phần phát triển thương mại điện tử và phục hồi kinh tế nói chung.

Theo thống kê, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 toàn Đông Nam Á do tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy và tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các chuyên gia nhận định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ đôla Mỹ vào năm 2025.

Quý 1/2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong đó, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo...
Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Gia Lai: Tăng cơ hội tiếp cận thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thương mại điện tử: 'Cuộc đua' tiếp tục sôi động

Hỗ trợ doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vào các nền tảng xuất nhập khẩu trực tuyến

Người tiêu dùng Việt vào top 11 thế giới về mua hàng online

TET to the TOP 2025: Khai phá tiềm năng kinh doanh từ TikTok

80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường

Xây dựng thương hiệu cho nông sản - cách làm mới trong thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam tăng khoảng 20%

Các sàn thương mại điện tử lớn đang nộp bao nhiêu tiền thuế?

Sàn thương mại điện tử Temu dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương

Online Friday 2024 ghi nhận sự 'bùng nổ' các đơn hàng Việt

Hàng Việt Nam đã tạo sức hút lớn trong Online Friday 2024

CHÙM ẢNH: Ấn tượng Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương mại điện tử khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024

Tối nay (29/11), khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2024

Thương mại điện tử dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Nghiêm cấm buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Online Friday 2024

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục, Mẹ Sam... sẽ tham gia Online Friday 2024