Thương mại điện tử “khát” nhân lực chất lượng cao
Việt Nam hiện đang trở thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2021 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trong nhiều năm liền, nguồn nhân lực cho TMĐT, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước. Kết quả khảo sát của VECOM cũng cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin ngày càng tăng. Trong đó, quản trị website và sàn giao dịch TMĐT vẫn là kỹ năng được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thương mại điện tử |
Theo VECOM, dự báo năm 2022, TMĐT tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới và đến năm 2025, quy mô TMĐT Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT có quy mô lớn thứ 3 khu vực ASEAN. Vì thế, với tốc độ phát triển nhanh của ngành TMĐT, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này theo hình thức chính quy và không chính quy đều là những vấn đề lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tới.
Trước nhu cầu về nhân lực chất lượng của TMĐT, đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT. Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có việc làm được ghi nhận tại một số trường đại học, cao đẳng đạt tới trên 90%. Ngoài ra, hình thức đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng chiếm 37%; ngắn hạn tập trung 33%, chính quy dài hạn 16%; trực tuyến 9%...
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực TMĐT hiện vẫn có những khó khăn, chưa đáp ứng được đòi hỏi và sự phát triển của ngành. Do vậy, để đáp ứng nguồn nhân lực cho việc phát triển ngành TMĐT, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo; tăng cường tạo điều kiện để cán bộ chuyên về TMĐT tham gia các khóa tập huấn đào tạo về lĩnh vực liên quan để phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, Cục TMĐT và Kinh tế số cần triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển về TMĐT và kinh tế số Việt Nam. Qua đó, trang bị cho doanh nghiệp và cộng đồng những thông tin, kiến thức cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai TMĐT và áp dụng ứng dụng kinh tế số. Thực hiện mực tiêu này, mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với Mazon Global Selling tổ chức chương trình “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” hướng tới đào tạo nhân lực về TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2026. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ Việt Nam sẽ được đào tạo với hơn 20 khóa học đa dạng về TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon. Đặc biệt, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đang thực hiện chương trình “Bệ phóng TMĐT Tây Nguyên” nhằm đào tạo về TMĐT chuyên sâu cho đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên; trở thành điểm khởi đầu cho những hoạt động hỗ trợ từ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kiến thức tới tư vấn, triển khai các hoạt động phát triển TMĐT...
Nhiều cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương đã tăng cường đào tạo về TMĐT, chú trọng nâng cao chất lượng; kết nối doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tiễn. |