Tuyển sinh đại học 2025: Một mùa tuyển sinh, hai nỗi lo
Nhiều thay đổi khiến thí sinh bối rối
Năm 2025, kỳ tuyển sinh đại họctiếp tục ghi nhận nhiều thay đổi về quy chế, phương thức xét tuyển và hình thức thi khiến không ít thí sinh cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm, tất cả các phương thức đều được đưa vào một đợt xét tuyển chung. Điều này đòi hỏi thí sinh phải chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng cũng như lên kế hoạch chọn trường, chọn ngành ngay từ đầu, tránh tình trạng xao nhãng trong học tập.
Trao đổi với phóng viên tại sự kiện Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Việc làm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC Open Day 2025) diễn ra mới đây, em Hà Quang Minh - Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết: “Việc quy tất cả các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung có thể tạo ra nhiều bất lợi. Ví dụ, đối với các thí sinh thi khối C, việc đạt điểm cao trong các môn xã hội như Văn, Sử có thể dễ dàng hơn. Trong khi đó, đối với các bạn thi khối A, việc đạt số điểm cao tương ứng trong các môn xã hội sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.
Ngoài ra, năm 2025, nhằm đón lứa sinh viên đầu tiên học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường đại học bổ sung thêm một số tổ hợp xét tuyển mới để vừa tạo điều kiện cho thí sinh vừa tuyển được sinh viên có năng lực phù hợp với ngành học. Tuy nhiên, việc này vô tình tạo nên áp lực khi thí sinh phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn tổ hợp, trong khi thời gian tìm hiểu, tư vấn và chuẩn bị lại khá hạn chế. “Việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khiến em phải dành thời gian học thêm nhiều môn hơn để tăng khả năng đỗ vào các trường đại học” - em Phương Anh - Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay.
Thí sinh tìm hiểu phương thức xét tuyển đại học tại buổi tư vấn tuyển sinh AJC Open Day 2025 do Học viện Báo chí và Tuyên Truyền tổ chức. Ảnh: Câu lạc bộ Truyền thông Học viện Báo chí & Tuyên truyền |
Khác với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPTnăm nay sẽ thi theo hình thức mới, áp dụng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, thay vì chỉ sử dụng mỗi hình thức trắc nghiệm 4 lựa chọn như những năm trước, đề thi năm nay được thiết kế với 3 dạng câu hỏi gồm: Trắc nghiệm 4 lựa chọn, trắc nghiệm Đúng - Sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Đặc biệt, mỗi dạng đều có cách tính điểm khác nhau khiến nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc ôn tập và làm quen với phương pháp thi hoàn toàn mới này.
Em Ngọc Anh – Trường THPT Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết: “Hình thức thi năm nay không chỉ là trắc nghiệm đơn thuần mà còn xuất hiện thêm dạng Đúng - Sai và nhiều kiến thức thực tế. Vậy nên để ghi điểm ở những phần này trở nên khá khó khăn, đặc biệt là em chưa làm quen với các dạng trên nên chưa thực sự tự tin”.
Để thích nghi với hình thức thi mới, các thí sinh cần áp dụng những chiến lược ôn tập phù hợp với yêu cầu mới. Giờ đây, việc ôn tập không chỉ đơn thuần là học lý thuyết “suông” trong sách giáo khoa mà còn đòi hỏi các em phải nâng cao khả năng tư duy và hệ thống hóa kiến thức nhằm đạt hiệu quả ôn tập cao. “Đề thi năm nay rất đa dạng, cho nên đối với em cách ôn tập hiệu quả nhất là luyện đề nhiều hơn để nâng cao kỹ năng làm bài”, em Ngọc Anh chia sẻ.
Áp lực gấp đôi vì nỗi lo tăng học phí
Song hành với những thay đổi trong tuyển sinh, vấn đề học phí đại học cũng đang trở thành mối quan tâm không nhỏ đối với phụ huynh và học sinh. Trong đề án tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học đã công bố mức tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ (mức tăng không quá 10% so với năm học trước).
Theo thông tin từ các trường đại học, mỗi ngành, mỗi chương trình đào tạo sẽ có mức tăng học phí khác nhau. Tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân điều chỉnh học phí năm 2025-2026 là 18-25 triệu đồng (chương trình chuẩn), tăng 2-3 triệu so với năm học trước. Học viện Ngân hàng, Đại học Thương Mại, Học viện Tài chính và Đại học Mở Hà Nội có mức tăng tương tự.
Mức tăng này khiến không ít học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định chọn ngành, chọn trường của mình. Em Bảo Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) chia sẻ: “Tuy việc tăng học phí không làm thay đổi lớn về lựa chọn trường học của em, nhưng em cũng phải tính đến việc bổ sung một số nguyện vọng là các trường có mức học phí phù hợp, tránh tạo gánh nặng tài chính lên bố mẹ” - em Bảo Anh cho biết, đồng thời chia sẻ, nếu đỗ đại học đợt này, để giảm áp lực học phí, em có dự định đi làm thêm công việc như gia sư hoặc trợ giảng tiếng Anh do em đã có chứng chỉ IELTS 7.0.
Mặc dù tăng học phí mang đến nhiều nỗi lo, song em Quang Minh, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho rằng việc tăng học phí hoàn toàn dễ hiểu nếu đi đôi với nó là chất lượng giáo dục nâng cao và cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại hơn. Ngoài ra, em Minh cũng chia sẻ, hiện nay sinh viên có đa dạng cơ hội tìm kiếm việc làm để kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ bố mẹ cũng như săn học bổng đến từ nhà trường và các doanh nghiệp nên học phí có thể nhẹ gánh hơn phần nào.
Khảo sát thực tế với các phụ huynh cho thấy tâm lý khá chủ động và tích cực. Anh Nguyễn Văn Hòa (huyện Hải Hậu, Nam Định), phụ huynh có con là học sinh cuối cấp cho hay: “Tôi có nắm được thông tin các trường đại học đồng loạt tăng học phí. Dù gia đình tôi chủ yếu lao động chân tay nhưng luôn ủng hộ quyết định chọn ngành của con. Nếu con có khả năng thi đỗ, gia đình sẽ cố gắng đầu tư cho con được học tập tại môi trường tốt. Hiện nay cũng có nhiều khoản vay ưu đãi cho sinh viên đi học nên áp lực học phí tuy có, nhưng không quá cao”.
Phụ huynh tham khảo lộ trình học phí tại buổi tư vấn. Ảnh: Câu lạc bộ Truyền thông Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Đồng quan điểm, chị Đỗ Thị Minh Thanh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khoản chi phí cho con em học đại học có sự điều chỉnh tăng theo từng năm cũng là khoản đầu tư xứng đáng khi điều kiện cơ sở vật chất tốt, chương trình đào tạo cập nhật, gắn với thực tiễn và đội ngũ giảng viên chất lượng.
“Tôi cũng mong muốn các con sẽ được tạo điều kiện tối đa ở ký túc xá vì sẽ giúp giảm đáng kể chi phí so với việc thuê trọ bên ngoài. Đồng thời hi vọng các trường đại học xem xét tăng thêm suất học bổng đầu vào để mức tăng học phí không ảnh hưởng đến quyết định theo học của các con cũng như không gây ra quá nhiều lo lắng cho phụ huynh” - chị Đỗ Thị Minh Thanh kỳ vọng.
Năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với thay đổi về định dạng cấu trúc, hướng đến phù hợp cho mục đích đánh giá năng lực thí sinh. Từ tháng 10/2024, đề thi tham khảo đã được công bố, thí sinh cần học theo hướng hiểu sâu và vận dụng thực tế. Về học phí, hiện nay, học phí đại học công lập được áp dụng theo Nghị định 81 của Chính phủ, với mức trần phân theo từng khối ngành và năm học. Các trường chỉ được thu trong giới hạn này, trừ trường hợp chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng, khi đó các trường có quyền tự chủ xác định mức học phí. |