Bạo lực mầm non: Cảnh báo từ những vết hằn nhỏ
Những vụ việc đau lòng
Từ đầu năm 2025 đến nay, các cơ quan truyền thông đã phản ánh nhiều vụ việc liên quan đến giáo viên mầm non sử dụng hành vi bạo lực với trẻ.
Gần đây nhất, clip một người phụ nữ ở Bến Tre vừa túm tóc, vừa nhồi nhét từng thìa thức ăn vào miệng đứa trẻ đang khóc thét đã làm “dậy sóng” xã hội. Nhẹ thì cảm thán, thương xót, nặng nề thì phẫn nộ, kêu gọi xử lý nghiêm.
Tại một nhà trẻ ở xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, vào đầu tháng 4/2025, 2 cháu bé đã bị cô túm chân lên đánh, nhét cây gỗ vào miệng. Theo các clip ghi, một người phụ nữ đã đi đến túm chân một cháu bé đang nằm và dùng một vật giống cây gỗ đánh vào hai chân nhiều cái khiến cháu bé khóc thét lên.
Sau đó, người phụ nữ này quay qua những cháu bé đang nằm ngủ sau lưng mình và tiếp tục túm hai chân một cháu bé khác, cũng dùng cây gỗ đánh vào hai bàn chân cháu này. Và người phụ nữ trên tiếp tục dùng cây gỗ nhét vào miệng cháu bé trong lúc cháu cũng đang khóc để dọa.
Hay tại tỉnh Bắc Ninh, hôm 14/4, một người phụ nữ (giáo viên) kéo một bé gái ra góc rìa phạm vi quan sát của camera và có hành động tác động mạnh vào bé. Không dừng lại ở đó, nữ giáo viên bế bé ra một góc khác và lại tiếp tục hành vi này. Sự việc bị chính người thân của bé phát hiện. Nguyên do cô giáo đưa ra để biện minh cho hành động này là không kiểm soát được cảm xúc cá nhân.
Trẻ em là tương lai của đất nước, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh minh họa |
“Không kiểm soát được cảm xúc là có quyền đánh con người ta à?”, đây không chỉ là lời nói quá bức xúc từ người thân của bé mà là lời phẫn nộ của rất nhiều bạn đọc.
Hơn hết, ở lứa tuổi mà mọi trải nghiệm đều để lại dấu ấn sâu sắc, trẻ không có khả năng phản kháng hay tự bảo vệ mình. Một hành vi bạo lực dù chỉ thoáng qua cũng có thể làm tổn thương niềm tin, gây nên những lệch lạc trong phát triển cảm xúc và tâm lý sau này.
Ở đây, bạo lực không chỉ là cái tát, cái đánh, mà còn là sự vô cảm, là cách người lớn coi trẻ là “đối tượng phải phục tùng” chứ không phải một cá thể cần được yêu thương, tôn trọng.
Chúng ta không thể để việc gửi con đến trường trở thành “trò chơi may rủi” của các bậc cha mẹ. Không thể trông đợi rằng “gặp được cô tốt thì may”, còn nếu không thì “chịu khó theo dõi”. Trẻ em cần một hệ thống bảo vệ đồng bộ, một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh, chứ không phải sự tùy tiện và tự phát.
Chuyên nghiệp hóa nghề giáo viên mầm non
Điểm chung có thể nhận thấy trong các vụ việc bạo hành trẻ mầm non xảy ra gần đây và cả trong quá khứ là môi trường giáo dục thiếu kiểm soát, giáo viên áp lực tâm lý và sự buông lỏng trong công tác quản lý.
Không ai có thể gieo mầm yêu thương nếu bản thân họ không được đào tạo bài bản, không được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc đầu tư thực chất cho công tác đào tạo giáo viên mầm non, từ kỹ năng sư phạm đến tâm lý học trẻ em, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và truyền thông với phụ huynh.
Đáng mừng là thời gian gần đây, Đảng và Chính phủ đang khẩn trương rà soát, lấy ý kiến và xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý như chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp nhằm giảm áp lực và nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng đầu tư công cho cơ sở vật chất mầm non, đặc biệt tại các địa bàn còn thiếu trường lớp. Đồng thời, nghiên cứu chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù nghề nghiệp mầm non, một nghề có tính chất "vừa làm mẹ, vừa làm thầy", cũng như đưa ra các đề xuất cơ chế giám sát, đánh giá độc lập trong các cơ sở nuôi dạy trẻ.
Những chính sách này cho thấy, trẻ em không chỉ là tương lai, mà đang trở thành trung tâm của hiện tại cũng như của các quyết sách dài hạn.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, giáo dục chính sách của Nhà nước là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để trẻ em mầm non được vui chơi, học hành trong môi trường lành mạnh nhất còn cần có cơ chế giám sát linh hoạt và minh bạch. Hệ thống camera, cơ chế phản hồi nặc danh từ phụ huynh và chính sách kiểm tra đột xuất cần được triển khai ở tất cả cơ sở mầm non, cả công lập và tư thục. Nhưng điều quan trọng hơn cả là đừng để những thiết bị giám sát trở thành vật trang trí mà cần được xử lý, phân tích, phản hồi kịp thời.
Đặc biệt, không thể thiếu việc gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương. Không thể có chuyện "không biết, không thấy" khi một cơ sở bạo hành trẻ hoạt động ngay giữa khu dân cư. UBND cấp xã, phường cần chủ động hơn trong thanh kiểm tra, cấp phép, xử lý vi phạm, chứ không chỉ “nhận báo cáo rồi xử lý sau”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, bản thân cha mẹ của trẻ phải là người đồng hành quan trọng nhất. Phụ huynh cũng cần được trang bị kiến thức để nhận diện dấu hiệu bất thường ở trẻ, biết cách phản ánh đúng nơi, đúng lúc.
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn là một hành trình dài. Việc luật hóa và thực thi hiệu quả các chủ trương đó cần sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc và đồng bộ của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, từ trường lớp đến từng hộ gia đình.
Đảng, Chính phủ đã và sẽ dành nhiều nguồn lực và điều kiện thuận lợi nhất cho giáo dục mầm non. Có thể kể tới Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung rất cụ thể liên quan tới giáo dục mầm non; hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa cho trẻ 3-5 tuổi thuộc hộ nghèo; đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045” đang được xây dựng… |