Thương hiệu Việt Nam “thăng hạng”: Sức mạnh từ sự đồng thuận
Cụ thể, theo Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance - tổ chức tư vấn chiến lược và đánh giá - công bố, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Năm nay, giá trị thương hiệu “Vietnam” tăng 32 tỷ USD so với năm 2017. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43.
Thương hiệu Vietnam thăng hạng một phần nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia |
Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu “Vietnam” hiện xếp thứ 6. Cũng theo Brand Finance, những kết quả này có được là do đóng góp của Chương trình thương hiệu quốc gia - Vietnam Value và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Những yếu tố tác động tích cực đến giá trị thương hiệu này gồm thuế suất giảm, môi trường kinh doanh thân thiện…
Thực tế, xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian qua. Sức nóng từ những quyết sách của Chính phủ trong việc nỗ lực xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính đã lan tỏa xuống khắp các Bộ, ngành, địa phương với những quyết định cắt giảm hàng nghìn các thủ tục, điều kiện kinh doanh “kìm chân” DN. Nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử đang được triển khai mạnh mẽ một lần nữa giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng một Chính phủ hành động, vì mục tiêu tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển.
Trong khi đó, Chương trình thương hiệu quốc gia được Bộ Công Thương triển khai suốt 15 năm qua hiện là chương trình duy nhất quảng bá thương hiệu quốc gia của Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm, dịch vụ. Bằng các giải pháp hỗ trợ xây dựng hình ảnh, xúc tiến thương mại mạnh mẽ, sau nhiều năm triển khai, Chương trình thương hiệu quốc gia đã hỗ trợ DN từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Một số THQG như Vinamilk, Viettel, Vietnam Airlines… đã không chỉ thành công ở thị trường nội địa mà còn ghi đậm dấu ấn trên thị trường thế giới, từ đó quảng bá và giúp thương hiệu “Vietnam” thăng hạng.
Con số tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây được coi như là cốt lõi quyền lực mềm của một nước, cho phép lan tỏa rộng rãi tên tuổi và hình ảnh tốt đẹp của nước đó. Bài học từ Singapore - một quốc gia nhỏ bé cho thấy, thương hiệu quốc gia đã cho phép một nước phát huy được sức thu hút và tầm ảnh hưởng vượt trên cả tầm vóc địa lý, dân số và trọng lượng kinh tế của mình. Thương hiệu quốc gia là yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của nước ta và yếu tố đó đã, đang và sẽ chỉ được xây dựng bằng sự đồng thuận, hưởng ứng, chung tay của toàn xã hội.