Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, để có định hướng hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp thị hiếu, nhu cầu thị trường các tỉnh trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP địa phương, Sở thường xuyên phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật thông tin về sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp địa phương được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.
Điểm giới thiệu, buôn bán các nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tại TP. Huế |
Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được Sở Công Thương triển khai tích cực và có hiệu quả. Điều này, góp phần làm nên thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó, giúp doanh nghiệp quảng bá, đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh hợp tác, kết nối sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm này trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng địa phương, trong nước quan tâm, sử dụng, góp phần định hướng thị trường tiềm năng xuất khẩu cho sản phẩm OCOP.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh sản xuất và quảng bá các sản phẩm sản phẩm OCOP địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các sự kiện như hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước. Nhờ đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Cụ thể, năm 2022, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế hỗ trợ 15 lượt doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Triển lãm tại tỉnh Sê Kông - Lào; Hội chợ thương mại Việt – Lào 2022 (VIETLAOEXPO 2022); Hội chợ triển lãm kết nối sản phẩm tốt nhất 2022 tại Tỉnh Ubon Ratchathani – Thái Lan; hỗ trợ 81 lượt doanh nghiệp trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ thương mại Festival Huế năm 2022; Hội chợ Triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn – OCOP Trà Vinh năm 2022; Triển lãm tại Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam; Hội chợ Thương mại quốc tế các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) – Quảng Trị 2022; Hội chợ Quốc tế thương mại, du lịch, đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng năm 2022 (EWEC 2022), Hội chợ đặc sản Vùng miền Việt Nam tại Hà Nội; tham gia Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Hội nghị Kết nối cung cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2022…
Bên cạnh đó, còn hỗ trợ hơn 60 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế vào các hệ thống siêu thị GO!, Coopmart, Vinmart…. Trong đó đã hỗ trợ 3 đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP kết nối vào tiêu thụ tại Siêu thị Co.opmart Huế.
Được sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mà các sản phẩm mây tre đan Bao La được khách hàng trong và ngoài nước biết đến |
Ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan Bao La cho biết, được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khuyến công trung ương, địa phương; các ban ngành, hiện nay HTX đã chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và hàng xuất khẩu. “Việc thường xuyên tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử… đã tạo nên thương hiệu cho sản phẩm mây tre đan Bao La, từ đó ngày có nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện nhu cầu đặt hàng của khách rất nhiều, do vậy giờ hàng ra đến đâu khách lấy đến đó. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 140 lao động tại địa phương, với mức lương từ 4 – 6 triệu đồng/tháng”, ông Võ Văn Dinh - Chủ tịch HĐQT HTX mây tre đan Bao La cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, sự nỗ lực trong việc phối hợp, triển khai công tác xúc tiến thương mại giữa Sở Công Thương với các hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh đã được ghi nhận bằng các kết quả tích cực. Tại các hội chợ và hội nghị kết nối cung cầu, khu gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm thế mạnh, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan và mua sắm. Doanh thu bán lẻ tại mỗi chương trình ước đạt hàng trăm triệu đồng.
“Từ thuận lợi về mặt chủ trương và phối kết hợp thực hiện nhịp nhàng giữa các sở, ngành, cũng như doanh nghiệp. Thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và bước đầu gặt hái được kết quả, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa thực sự phát huy hết vai trò như mong đợi, để triển khai có hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động xúc tiến thương mại cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực cao của cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại cũng như sự phối hợp, hưởng ứng tham gia tích cực từ phía các doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế”, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết thêm.
Ngày 7/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023 nhằm phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế để nâng cao thu nhập của người dân. Mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP của các địa phương được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên; có ít nhất 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao; hình thành 1 đến 2 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản cấp tỉnh…