Thêm xung lực mở rộng xuất khẩu giày dép sang Ấn Độ
Thị trường tiềm năng
Ấn Độ là một trong 7 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Mối quan hệ truyền thống hữu nghị được xây dựng qua nhiều năm với những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiều năm qua là cơ sở để 2 nước tăng cường hợp tác, đặc biệt là quan hệ thương mại. Nổi bật, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam- Ấn Độ chiếm 80% tổng kim ngạch của Việt Nam so với các nước Nam Á khác. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Trong số gần 30 mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, giày dép được ghi nhận là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, Ấn Độ có thị trường phong phú, nằm ở nhiều phân khúc khách hàng. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường.
Thêm xung lực mở rộng xuất khẩu giày dép sang Ấn Độ - Ảnh: Cấn Dũng |
Số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, 6 tháng năm 2024 các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu hơn 93 triệu USD mặt hàng giày dép sang Ấn Độ, cùng hơn 77 triệu USD mặt hàng nguyên phụ liệu da giày, dệt may.
Nhắc đến xuất khẩu giày dép sang thị trường Ấn Độ nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng bài toán cạnh tranh. Bởi lẽ, Ấn Độ là thị trường sản xuất giày dép lớn thứ 2 thế giới hiện nay với tổng sản lượng 2,2 tỷ đôi/năm.
Tuy nhiên, theo bà Xuân, sản phẩm giày dép của Ấn Độ chủ yếu sử dụng cho thị trường nội địa, tỷ lệ xuất khẩu rất thấp. Đặc biệt, quốc gia này có có thế mạnh với mặt hàng giày da. Trong khi đó, Việt Nam mặc dù đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Ấn Độ về sản xuất nhưng lại đứng thứ 2 về xuất khẩu, sau Trung Quốc. “Chúng ta có thế mạnh với dòng giày thể thao, đấy cũng là lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ và “né” được cạnh tranh trực tiếp", bà Xuân nói.
Bên cạnh đó, quốc gia này đã và đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong; đơn giản hoá hoạt động kinh doanh thông qua quản lý cấp phép, phê duyệt các giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây cũng được xác định là một yếu tố “thuận” để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ.
Thêm xung lực cho xuất khẩu
Tuy vậy, bà Xuân cũng nhìn nhận, dù có nhiều cơ hội nhưng thách thức cho doanh nghiệp da giày Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Ấn Độ cũng không phải ít, nhất là với những yêu cầu mới về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững và yêu cầu kỹ thuật đặt ra đối với hàng xuất khẩu cũng là rào cản lớn.
Do vậy, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp da giày, bà Xuân bày tỏ, trong thời gian tới, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chính phủ tiếp tục có tiếng nói để Ấn Độ giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, doanh nghiệp hai nước mới có đó thì sản phẩm giày dép của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Ấn Độ- thị trường rất tiềm năng trong thời gian tới.
Trên thực tế, những năm qua, để hỗ trợ doanh nghiệp da giày nói riêng, doanh nghiệp các ngành hàng nói chung khai thác cơ hội, mở rộng xuất khẩu sang Ấn Độ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.
Đơn cử, năm vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã khai trương khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Giày dép Quốc tế Ấn Độ (IIFF) lần thứ 7 ở Trung tâm triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi. Đây là sự kiện hàng đầu trong ngành công nghiệp giày dép tại khu vực Nam Á, cũng là hội chợ lớn và quan trọng trong ngành công nghiệp giày dép tại Ấn Độ.
Tham gia hội chợ, Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên và Công ty Cổ phần Thương Mại và Dịch Vụ Emall từng bước hiện thực định hướng tìm kiếm, đồng hành với nhà phân phối cùng hợp tác thông qua hình thức kinh doanh B2B (Business to Business) và sẽ nâng tầm lên hình thức B2C (Business to Consumer).
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương nhằm giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu nhu cầu, tiến tới hợp tác đầu tư, xuất khẩu.
Mở rộng quan hệ hợp tác với Ấn Độ đang được Chính phủ và các Bộ ngành nỗ lực triển khai thực hiện. Hiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại – đầu tư, với các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics, hàng không, công nghiệp ô tô, khoa học công nghệ, thông tin-viễn thông, công nghệ số, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch, giao lưu nhân dân, nông nghiệp...
Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam- Ấn Độ đang trên đà phục hồi, thời gian tới, hợp tác thương mại hai nước kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch song phương sớm đạt 20 tỷ USD. |