Thành phố Nam Định được công nhận đô thị loại II
Theo Quyết định số 379/QĐ-TTg thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đã đạt tiêu chí đô thị loại II. Theo đó, công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại II (phạm vi 120,9 km2) gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu, gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã. Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 56,38 km2 gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường.
Khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52 km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận).
Thành phố Nam Định được công nhận đô thị loại II. Ảnh minh hoạ |
Thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh, có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời nằm tại vị trí trung tâm của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Đối với huyện Mỹ Lộc, địa phương này nằm ở phía Bắc và phía Tây của thành phố Nam Định; phía Bắc giáp huyện Bình Lục và Lý Nhân của tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp sông Hồng; phía Nam giáp thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản; phía Tây giáp huyện Vụ Bản và tỉnh Hà Nam.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi gồm toàn tỉnh với diện tích tự nhiên hơn 1.668 km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Nam Định và 9 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu).
Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng nam Đồng bằng sông Hồng.
Mục tiêu năm 2030, tỉnh có tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm; tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng khoảng 50%; dịch vụ khoảng 38%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 160-180 triệu đồng.
Tỉnh tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo gồm thành phố Nam Định mở rộng và các đô thị đối trọng (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); Thịnh Long - Rạng Đông (gồm thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long, khu kinh tế Ninh Cơ); Cao Bồ (thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).
5 hành lang kinh tế động lực bao gồm quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ); cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Tỉnh cũng phát triển theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau, trong đó ưu tiên phát triển thành phố Nam Định (mở rộng) trở thành đô thị xanh, thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn năm 2030, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn.
Quy hoạch cũng thiết lập hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực.