Điện Biên: Khánh thành cột cờ A Pa Chải - biểu tượng thiêng liêng nơi cực Tây Tổ quốc Mường Lay xác lập kỷ lục Việt Nam về mật độ nhà sàn truyền thống Điện Biên: Nỗ lực bảo đảm điện mùa nắng nóng |
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết và nguy cơ thiên tai gia tăng, tỉnh Điện Biên đang tích cực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2025.
![]() |
Tỉnh Điện Biên khẩn trương rà soát, cập nhật các phương án ứng phó phù hợp với từng loại hình thiên tai. Ảnh: Thủy Lan |
Chiều 13/5, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đánh giá thực trạng và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Theo nhận định, biến đổi khí hậu tại Điện Biên ngày càng rõ rệt, kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn và gây hậu quả nặng nề.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, Điện Biên đã hứng chịu 5 đợt thiên tai lớn, chủ yếu là rét đậm, rét hại khiến 2 người bị thương và gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng 5,8 tỷ đồng. Mặc dù chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã vào cuộc kịp thời, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định đời sống, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt trong công tác dự báo, tuyên truyền và chủ động ứng phó.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Cương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thủy Lan |
Tại hội nghị, ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục ngay những hạn chế trong công tác dự báo và thông tin tới người dân. Việc cập nhật chưa kịp thời khiến một bộ phận nhân dân còn bị động, chủ quan trong ứng phó. Đồng thời, việc khắc phục hậu quả ở một số nơi còn tình trạng trông chờ vào lực lượng cứu hộ, chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng tại chỗ.
Trước mùa mưa bão sắp tới, Ban Chỉ huy yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát, cập nhật các phương án ứng phó phù hợp với từng loại hình thiên tai. Đặc biệt, cần có kịch bản cụ thể cho các tình huống lũ quét, sạt lở đất, những loại hình thiên tai thường xảy ra tại Điện Biên.
Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả phải bám sát phương châm “bốn tại chỗ” chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện và sự tham gia của toàn dân. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư dự phòng, bố trí lực lượng trực chiến để sẵn sàng ứng phó với tinh thần “chủ động ở mức cao nhất”.