Giải mã lý do kinh tế Nam Định quý I/2025 tăng trưởng 11,86% Kinh tế Nam Định: 3 đột phá cho 9 tháng cuối năm 2025 |
Ngày 18/4, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và hoàn thiện hồ sơ về Đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định năm 2025.
Theo kế hoạch của tỉnh Nam Định, cử tri sẽ được lấy ý kiến về 2 nội dung chính gồm sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh: Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh mới.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ diễn ra đồng bộ trên toàn tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định pháp luật. Cử tri đại diện hộ gia đình toàn tỉnh sẽ được tham gia ý kiến đối với đề án hợp nhất cấp tỉnh, còn việc sắp xếp cấp xã sẽ lấy ý kiến tại các đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp.
UBND tỉnh nhấn mạnh, việc lấy ý kiến là khâu then chốt để hoàn thiện đề án, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và là cơ sở quan trọng để trình Bộ Nội vụ, Chính phủ xem xét, quyết định.
![]() |
Một góc thành phố Nam Định |
Hiện tại, các tài liệu phục vụ tham vấn đang được công khai rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Nam Định, các huyện, thành phố, xã, đồng thời niêm yết tại các điểm sinh hoạt cộng đồng. Các phương tiện truyền thông cũng đang được huy động để tuyên truyền sâu rộng.
Theo lộ trình, việc sắp xếp cấp xã hoàn tất việc lấy ý kiến trước ngày 22/4; cấp huyện hoàn thành trong ngày 23/4; cấp tỉnh chốt lại vào ngày 25/4.
Ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, hồ sơ hợp nhất ba tỉnh sẽ được UBND tỉnh Nam Định gửi UBND tỉnh Ninh Bình – một bước phối hợp liên tỉnh quan trọng, dự kiến hoàn thành trước ngày 28/4. Riêng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ được trình Bộ Nội vụ và Chính phủ trước ngày 30/4.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sáp nhập 3 tỉnh không chỉ là câu chuyện địa giới hành chính mà còn mang theo kỳ vọng lớn là hình thành một cực tăng trưởng mới phía Nam đồng bằng sông Hồng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy lợi thế liên kết vùng và tiết kiệm nguồn lực công.