Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý và hoạt động chợ
Thời gian qua, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý và phát triển chợ trên địa bàn. Hệ thống chợ đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn.
Thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt tại Quyết định số 4388/QĐ-UBND ngày 9/11/2016 và Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 27/3/2020. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch 465 chợ, trong đó, có 14 chợ hạng 1, 44 chợ hạng 2 và 407 chợ hạng 3.
Báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, trong số 465 chợ quy hoạch, có 332 chợ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng tại vị trí cũ; 62 chợ di dời đầu tư tại vị trí mới; 71 chợ quy hoạch mới. Phân theo tính chất hoạt động, có 14 chợ đầu mối, 351 chợ dân sinh, chuyên doanh; phân theo địa bàn có 335 chợ đồng bằng, ven biển, 130 chợ miền núi.
Chợ Đông Vệ thuộc phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa được đầu tư xây xây dựng quy mô, khang trang |
Tính đến đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 388 chợ đang hoạt động nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Trong đó, phân theo hạng có 12 chợ hạng 1, 42 chợ hạng 2 và 334 chợ hạng 3; phân theo tính chất hoạt động, có 2 chợ đầu mối, 386 chợ dân sinh, chuyên doanh; phân theo địa bàn có 295 chợ đồng bằng, ven biển và 93 chợ miền núi.
Trong số 388 chợ đang hoạt động gồm, 110 chợ do doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư xây dựng quản lý, kinh doanh, khai thác theo hình thức chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Có 278 chợ do UBND cấp xã quản lý, chủ yếu đang giao khoán thầu việc khai thác chợ cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian nhất định.
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 335/387 chợ được đánh giá và công nhận chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 và chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND tỉnh (có 01 chợ không bố trí khu vực kinh doanh thực phẩm).
Ngoài ra, Thanh Hóa có 12 chợ do doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nhưng chưa đi vào hoạt động.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả công tác phát triển chợ cả về hình thức và chất lượng quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư với sự tham gia xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ từ nguồn vốn xã hội hóa của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đã đạt các tiêu chí như: Chợ nông thôn mới, chợ kinh doanh thực phẩm, chợ đạt chuẩn phòng cháy chữa cháy…
Có thể thấy, công tác quản lý và phát triển chợ của tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế chính trị của các địa phương như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân trên địa bàn.