Vườn quốc gia Xuân Thủy được đề cử vườn di sản ASEAN Khám phá quần thể cây giáng hương cổ thụ ở Gia Lai Panasonic tiếp sức sinh thái tại tỉnh Thanh Hóa với 13.500 cây xanh |
Chiều ngày 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên. Vườn quốc gia Xuân Liên cũng là vườn quốc gia thứ 35 của cả nước.
Theo đó, Vườn quốc gia Xuân Liên được thành lập với tổng diện tích quản lý 25.601,98 ha thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn thuộc huyện Thường Xuân, gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên. Ảnh: Lê Hợi |
Trong đó, đất rừng đặc dụng chiếm 23.816,23 ha, được phân chia thành ba phân khu chính: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.869,18 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.393,38 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 2.553,67 ha. Ngoài ra, khu vực này còn có 912,37 ha đất rừng sản xuất và 873,38 ha đất bán ngập nước thuộc hồ Cửa Đạt.
Vườn quốc gia Xuân Liên được thành lập với nhiều chức năng quan trọng, trong đó tập trung vào việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen sinh vật.
Đặc biệt, khu vực này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì và đảm bảo ổn định nguồn nước cho hồ Cửa Đạt - một công trình thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Vườn quốc gia Xuân Liên còn có nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang nhấn mạnh, việc quyết định nâng hạng lên Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ có nhiều điều kiện hơn để thu hút đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển các giá trị du lịch sinh thái, cảnh quan giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050.
![]() |
Cây pơmu hơn 1.000 năm tuổi tại Vườn quốc gia Xuân Liên. Ảnh: Thanh Tuấn |
Để phát huy hiệu quả Vườn quốc gia Xuân Liên, ông Lê Đức Giang yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật rừng, xâm hại tài nguyên rừng đặc dụng.
Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong bảo tồn, phát huy giá trị nguồn gen gắn với nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp có giá trị cao cung cấp cây giống trồng rừng gỗ lớn của tỉnh theo chuỗi giá trị. Lồng ghép, chia sẻ lợi ích của hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với nhu cầu chính đáng trong phát triển sinh kế của người dân vùng đệm.