Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1/2017 (Ảnh TTXVN) |
Đây là chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hơn 1.200 doanh nghiệp hai nước. Dự kiến sau hội nghị, đại diện hai bên sẽ ký gần 30 văn kiện về hợp tác giữa hai nước, giữa các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ tham dự 4 cuộc tọa đàm giữa các lãnh đạo giới kinh tế và các chủ tịch tập đoàn lớn của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước.
Đáng chú ý nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á cùng các lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước trong khu vực châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới tại Nhật Bản. Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, ASEAN và các vấn đề an ninh của khu vực.
Sau khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992, mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên.
Trong những năm gần đây, hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM,.. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng duy trì thường xuyên các chuyến thăm tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Tính đến thời điểm này, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).
Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 10,1 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ 2016), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,061 tỷ USD (tăng 16,9% so với cùng kỳ 2016), nhập khẩu đạt 5,062 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ 2016).
Trong lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản có 3.384 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 43,94 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Hai bên đã ký 2 công hàm trao đổi và 2 hiệp định vay cho một số dự án ODA vốn vay và không hoàn lại và Nhật Bản cũng cam kết cung cấp thêm cho Việt Nam khoảng 1,05 tỷ USD ODA vốn vay năm tài khóa 2016 cho 4 dự án.
Từ năm 2014, hai nước đã có những bước đột phá về hợp tác nông nghiệp khi lãnh đạo cấp cao hai bên đã ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2015).
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án trong lĩnh vực này của Việt Nam. Đáng chú ý, Nhật Bản đã công bố hỗ trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong hợp tác về lao động, giáo dục và du lịch, hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam, thêm nữa Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 261.571 lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2016 và đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Những thành công mà Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được là những dấu ấn quan trọng góp phần củng cố toàn diện quan hệ ngoại giao, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.