Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra đường bộ không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường Phí sử dụng đường cao tốc được quy định thế nào tại dự thảo Luật Đường bộ? |
Chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sáng 8/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: việc rà soát dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông với sự tham dự của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đại diện các hiệp hội là rất quan trọng, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều bên tham gia trước khi Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. "Quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương kèm theo cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ" - Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành các thông tư, hướng dẫn theo nhiệm vụ được giao trong luật, nghị định. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động thực hiện nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm theo thẩm quyền được giao trong luật, nghị định, thông tư; trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ, ngành, địa phương nào chậm tiến độ thì phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hoá nguy hiểm quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định riêng đối với trường hợp vận chuyển chất phóng xạ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ, pháo, chất thải nguy hại…
Nghị định áp dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Một số điểm mới của Nghị định là quy định rõ đơn vị thực hiện tập huấn, tiêu chuẩn người tập huấn, đối tượng được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm; chuyển cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 từ Bộ Khoa học và Công nghệ sang Bộ Công Thương; bổ sung thêm đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của Bộ Quốc phòng; các chứng chỉ đào tạo về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng đường bộ qua biên giới.
Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ bao gồm: Hộ kinh doanh vận tải cũng được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi; tất cả đơn vị kinh doanh vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) đều phải có bộ phận quản lý an toàn; bổ sung quy định về thu hồi phù hiệu xe vi phạm về tốc độ, tải trọng xe.
Các đại biểu tham gia phiên họp cơ bản thống nhất cao với nội dung các dự thảo nghị định. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện quy định đăng ký, quản lý điều kiện, tiêu chí phương tiện và người tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; xây dựng tiêu chí, nhóm điều kiện để thí điểm hoạt động đối với các phương tiện giao thông mới, không được "không biết thì cấm".
Về dự thảo Nghị định đào tạo lái xe, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm hình thức đào tạo lái xe khác (tự học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn); loại hình, nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo lái xe; tổ chức bộ máy, loại hình, nhân lực của trung tâm sát hạch lái xe; sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô… Bộ Giao thông vận tải cũng đã rà soát các quy định về điều kiện của xe tập lái; yêu cầu khám sức khỏe định kỳ của đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe.
Đối với dự thảo Nghị định về quản lý đường bộ, Bộ Giao thông vận tại đã rà soát, chỉnh lý các điều, khoản nhằm thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng, bảo trì (sau đây gọi chung là quản lý) kết cấu hạ tầng đường bộ theo đúng quy định của Luật Đường bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý đường bộ theo nguyên tắc "một việc, một người chịu trách nhiệm" - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng chỉ rõ nguyên tắc "một việc, một người chịu trách nhiệm" trong phân cấp quản lý đường bộ. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy hoạch, chiến lược, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống giao thông đường bộ quốc gia, quốc tế phải bảo đảm tính đồng bộ thống nhất; quản lý thống nhất toàn bộ thông tin dữ liệu, thiết kế hệ thống để giám sát, điều hành tại từng tỉnh và cả nước, "địa phương làm, Trung ương quản lý".
Các địa phương được phân cấp đồng bộ, thống nhất, toàn diện trong quản lý các tuyến đường bộ từ quyết định đầu tư, ngân sách đầu tư, quản lý vận hành, duy tu bảo trì…; thiết kế chính sách bảo đảm khi phân cấp các địa phương đều có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp. Địa phương có kinh tế phát triển thì chủ động bố trí ngân sách, vùng khó khăn thì có cơ chế điều tiết ngân sách từ Trung ương.