Tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10 về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành Luật để giải quyết những vấn đề cấp bách đang gặp nhiều vướng mắc. Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề liên quan đến điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, phát triển điện nông thôn.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn Tuyên Quang đã nhất trí sự cần thiết và các cơ sở chính trị, pháp lý sửa đổi Luật điện lực. Bên cạnh đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tập trung rà soát tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư vào các dự án nguồn điện, cũng như cần có chính sách ưu tiên sản xuất điện gió ngoài khơi để xuất khẩu, vừa giải quyết vấn đề giá điện còn cao, đồng thời thực hiện các mục tiêu về kinh tế, môi trường, tạo công ăn việc làm, an ninh biển đảo….
Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Thu Hường) |
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định một khoản về quản lý quy hoạch, phát triển trạm sạc xe điện (bao gồm cả xe máy và ô tô), an toàn trang thiết bị điện và các quy định khác có liên quan về các trạm sạc xe điện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại hình trạm sạc xe điện đang ngày càng phát triển.
Về quy định cấm, đề nghị bổ sung hành vi “Trộm cắp, phá hoại trang thiết bị điện, cản trở hoạt động cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố công trình điện lực”, vì hệ thống lưới điện thường xuyên phải nâng cấp cải tạo, sữa chữa. Tuy nhiên đôi khi có một số cá nhân do chưa hiểu hoặc lo ngại, sợ ảnh hưởng đến tài sản hoa màu (các lý do không chính đáng không liên quan đến vấn đề kỹ thuật, an toàn điện) có hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc cải tạo, sửa chữa công trình điện. Đặc biệt với những sự cố cần khắc phục sửa chữa trong thời gian ngắn.
Về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển cho các dự án điện lực, đề nghị rà soát xem xét, sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với Luật Đất đai 2024 về thẩm quyền quyết định quy hoạch, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, hỗ trợ và bồi thường... Tiếp tục rà soát với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, như: Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Giá,...
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên (Ảnh: CT) |
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên nêu rõ, khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Đối với vấn đề về cho phép doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, đại biểu chỉ ra rằng, hiện tại, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đại biểu, điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như: PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Còn đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn TP. Cần Thơ nêu rõ, Điều 24 của dự thảo Luật được thiết kế để quy định về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nội dung của điều khoản này chủ yếu quy định vấn đề phát triển điện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chứ chưa đề cập đến vấn đề phát triển điện ở vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn có mật độ dân cư thấp.
Đại biểu cho biết, vừa qua đoàn ĐBQH thành phố có tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, đặc biệt là ngành điện lực thì nhận thấy hiện nay việc triển khai mạng lưới điện ở khu vực dân cư thưa thớt đang bị vướng. Vì nếu tính về chi phí thì ngành điện sẽ không đủ sức. Do đó, vấn đề này Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ trong quá trình phát triển điện ở nông thôn.
Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 3 chiều 26/10 (Ảnh: CT) |
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Do đó, đại biểu đề nghị, không đưa các nội dung như "Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ ” hay ”Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội"… vào chính sách giá điện mà phải đưa vào một mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện" cho phù hợp.
Qua thảo luận, các đại biểu tại 19 tổ cơ bản đồng tình với sự cần thiết sớm ban hành dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Chính phủ về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.