Chủ nhật 29/12/2024 07:51

Táo quân 2024: Kỳ vọng ở dàn nghệ sĩ trẻ

Lần đầu tiên trong 20 năm lên sóng, Táo Quân 2024 sẽ vắng bóng toàn bộ dàn nghệ sĩ nổi tiếng đã làm nên thương hiệu chương trình.

Kể từ màn chào sân năm 2003, Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả truyền hình Việt Nam vào mỗi thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.

Có thể nói, đến thời điểm này, phải thừa nhận rằng trong các chương trình giải trí chưa có chương trình nào tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem như Táo Quân, bởi nó có tính tổng kết mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của một năm dưới lăng kính nghệ thuật, hài hước. Bên cạnh những tiếng cười sảng khoái, vui vẻ, chương trình cũng khiến những người xem nhìn nhận, đánh giá về các khía cạnh của cuộc sống.

Dàn nghệ sĩ gạo cội, gắn bó hai thập kỷ với chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo Quân"

Nhìn lại chặng đường 20 năm, có lẽ, cái được nhất của Táo Quân là tạo ra được một thói quen cho phần đông người Việt, đặc biệt là người dân miền Bắc mỗi dịp Tết đến. Người trẻ có thể quên tắm lá mùi ngày cuối năm, người già có thể quên dựng cây nêu trước nhà nhưng hiếm ai quên mở Táo Quân mỗi tối 30 Tết.

Một trong số những yếu tố ghi điểm làm nên thương hiệu của Táo Quân là việc kết hợp được những vấn đề thời sự, âm nhạc xu hướng của năm vào kịch bản một cách tự nhiên và hài hước.

Táo Quân nhiều lần gây "sốt" như trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2009, nhiều người nhớ như in giai điệu bài "Lụt từ ngã tư đường phố". Bài hát chế "Đi học" năm 2011 với những ca từ cười ra nước mắt, phản ánh nhiều vụ bạo lực học đường của ngành giáo dục.

Hoặc năm 2013, ca khúc Hoang mang Style (cải biên từ Gangnam Style) của Táo Kinh tế Quang Thắng với câu "Một năm kinh tế buồn" vừa hài hước, vừa phản ánh thời điểm khó khăn của đất nước. Đến Táo Quân 2018, nền nhạc "Thật bất ngờ" của Trúc Nhân được Táo Tự Long "chế" để phản ánh cách sử dụng mạng xã hội của giới trẻ.

Những bản nhạc chế là "đặc sản" của chương trình Táo Quân

Không thể phủ nhận, Táo Quân trong hai thập kỷ qua đã trở thành "món ăn tinh thần" của hàng triệu khán giả Việt Nam. Nhiều người ví von "Tết thiếu Táo Quân cũng như đón năm mới thiếu bánh chưng, hoa đào, hoa mai".

Và cũng trong chặng đường 20 năm đó, Táo Quân đã trải qua không ít thăng trầm. Từ những lời khen ngợi ở thời điểm mới ra mắt, đến nhiều ý kiến khen chê trái chiều, có lúc rất gay gắt ở những mùa phát sóng gần đây.

Trên các diễn đàn, mặt báo hay mạng xã hội, người ta nói về việc Táo Quân đã bớt đi tính hấp dẫn, không đổi mới, "mảng miếng" hài "nhạt, nhảm" lặp lại, kịch bản thiếu đột phá… Thậm chí, không ít ý kiến còn cho rằng, nếu một chương trình không còn đủ sức hút với khán giả thì có thể cân nhắc việc dừng phát sóng.

Nhưng với lượng người xem đông đảo và sự mong chờ của nhiều khán giả, cộng với việc phát sóng vào giờ vàng tối 30 Tết nên Táo Quân vẫn được VTV duy trì.

Thẳng thắn mà nói, Táo Quân vẫn được xem là "con gà đẻ trứng vàng của VTV" khi mang về doanh thu quảng cáo hàng chục tỷ đồng cho nhà đài. Được biết, giá quảng cáo 30 giây trong chương trình Táo Quân 2024 được Trung tâm quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam công bố là gần 645.500.000 đồng. Năm 2021 chương trình thu về 27 tỷ đồng tiền quảng cáo và năm 2023 thu 28 tỷ đồng.

Táo Quân 2024 có sự thay đổi lớn trong dàn diễn viên chính. Ảnh: VTV

Những năm gần đây, khán giả truyền hình liên tục hô hào mong đổi mới Táo Quân. Đáp lại, Táo quân 2024 từ những thông tin hé lộ cho thấy có nhiều đổi mới ở kịch bản và dàn diễn viên.

Năm thứ 21 lên sóng, phía nhà đài VTV đã thông báo chính thức về dàn nghệ sĩ mới, trong các buổi ghi hình, công chúng cũng phần nào biết về những nhân tố mới xuất hiện trong Táo Quân 2024.

Năm nay, vai diễn Ngọc Hoàng vẫn do NSND Quốc Khánh đảm nhận. Nam Tào do Đỗ Duy Nam đóng. Một số gương mặt quen thuộc của nhà VTV cũng góp mặt tại chương trình như: Phùng Tiến Minh, Tú Oanh, Trung Ruồi, Huyền Trang, Anh Đức, Thanh Hương, Tuấn Anh, Mạnh Dũng,...

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Bá Anh vai Táo Giao thông, nghệ sĩ Quốc Quân đảm nhận vai Táo Kinh tế, nghệ sĩ Tú Oanh vai Táo Văn thể, Quân Anh vai Táo Xã hội…

Thế nhưng, trước giờ Táo Quân lên sóng, không ít khán giả lại hoài nghi về chất lượng chương trình khi toàn bộ dàn diễn viên được thay mới. Nhiều người bày tỏ sự lo lắng rằng cuộc "cách mạng" Táo sẽ khó tạo được ấn tượng như các "cây đa cây đề".

Táo Quân 2024 đánh dấu sự đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện

Rõ ràng, việc tin tưởng ở dàn nghệ sĩ mới cho thấy sự mạnh dạn, táo bạo của ê-kíp thực hiện Táo Quân 2024. Chính sự kỳ vọng của khán giả thôi thúc những người làm chương trình gia tăng yếu tố mới lạ. "Thay máu" ở dàn diễn viên cũng là câu chuyện không sớm thì muộn phải làm.

Đạo diễn Khải Anh cũng khẳng định, anh tin tưởng vào sức trẻ của dàn diễn viên mới. Thử "lửa" ở Táo Quân là cơ hội tốt để nghệ sĩ trẻ trưởng thành.

"Đội nghệ sĩ làm Táo Quân cũ đã 20 năm "tung hứng" cùng khán giả, chúng tôi luôn mong muốn có một cái "nền" tốt để làm Táo Quân. Chương trình phải đổi mới thì mới thu hút khán giả. Để lớp trẻ thể hiện, biết đâu có sự đổi mới", NSƯT Chí Trung từng chia sẻ với báo giới về sự vắng mặt trong chương trình và thẳng thắn bày tỏ "cách nhìn của khán giả dành cho các bạn trẻ tạo ra áp lực rất lớn. Nhưng xin khán giả hãy công tâm với các bạn nghệ sĩ trẻ".

Không riêng gì Chí Trung, dàn "Táo" cũ gồm NSND Xuân Bắc, NSND Công Lý, Vân Dung cũng dành nhiều lời động viên, tin tưởng ở lớp "Táo" trẻ kế cận.

Nghệ sĩ trẻ trổ tài hát, đọc rap, nhảy, livestream trên sân khấu

Tre già măng mọc là quy luật tự nhiên. Việc đổi mới là một điều bắt buộc cần diễn ra. Dù thành công chinh phục khán giả hay không, chắc chắn mùa Táo Quân năm nay sẽ đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.

Hãy đón chờ "món ăn tinh thần" ngày cuối năm ở góc nhìn đổi mới, khách quan. Cuộc chuyển giao thế hệ ban đầu có thể không dễ dàng được chấp nhận nhưng biết đâu lại tạo ra thời kỳ mới…

Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Táo Quân

Tin cùng chuyên mục

Chuyên gia nêu biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương

Quản lý nhà nước ra sao đối với hiện tượng lan truyền tà đạo trên mạng?

Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng: Nhận diện và giải pháp đến từ chuyên gia

Giải cứu người trong vụ hỏa hoạn tại TP. Hồ Chí Minh: Thêm anh hùng giữa đời thường

Để Thương vụ Việt Nam là 'cánh tay nối dài' của Chính phủ và doanh nghiệp

Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’