Thứ ba 19/11/2024 15:46
Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023):

Tạo chính sách thông thoáng, huy động nguồn lực cho Thủ đô bứt phá

Để huy động nguồn lực phát triển, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nội dung liên quan tới nguồn lực tài chính.

Cần chính sách đặc thù về nguồn lực tài chính

Dự thảo Luật Thủ đô được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Theo các chuyên gia đánh giá, cơ bản dự thảo đã có nhiều nội dung đột phá, đặc thù.

Liên quan về tài chính, ngân sách, Điều 36 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: Ngân sách TP. Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Đồng thời, quy định tại dự thảo cho phép HĐND TP. Hà Nội quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển.

Để huy động nguồn lực phát triển, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nội dung liên quan tới nguồn lực tài chính.

Cùng đó, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Dự thảo Luật còn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù sau đây: Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô;

Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp;…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hộiHoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với các quy định về các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại Chương IV nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP. Hà Nội được hưởng theo phân cấp (Khoản 4 Điều 35); nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42); các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45)…

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Với vị trí là trung tâm, Hà Nội nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển, theo đó, góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS-TS Phạm Thị Giang Thu - (Trường Đại học Luật Hà Nội) - cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần xác định vị thế trong lộ trình phát triển, bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, cần xem xét về bối cảnh quốc tế cũng như những yêu cầu mới đặt ra…

“Về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương” - PGS-TS Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại nêu quan điểm.

Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền TP. Hà Nội. Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô, vừa phù hợp Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

Góp ý thêm về dự thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - cho rằng, cần xác định rõ hình thức, cách thức ưu đãi thuế phù hợp. Hiện nay, các hình thức ưu đãi thuế đang áp dụng ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế trực thu và ưu đãi về thuế gián thu. Cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới, mục tiêu áp dụng chính sách ưu đãi thuế là nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.

Có thể thấy, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu là các loại hình ưu đãi xác định dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó, ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế là phổ biến nhất. Các hình thức ưu đãi thuế khác như: Giảm trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo đầu tư hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam, mặc dù theo nhiều nghiên cứu, tính minh bạch của các loại hình ưu đãi này cao hơn so với ưu đãi về kỳ miễn, giảm thuế. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thống nhất trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật thuế và các văn bản liên quan.

Liên quan tới quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, Dự thảo Luật đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể.

Đặc biệt, cần lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nếu theo quy trình thông thường, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.

Về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, TS. Vũ Nhữ Thăng đề xuất, vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách. Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phá cho địa phương, có thể quy định mức trần vay nợ từ 150 - 200% tổng thu ngân sách hưởng theo phân cấp.

Ngọc Linh
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ với công nghiệp chế biến, chế tạo

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Ninh Thuận ‘bắt tay’ cùng TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư

Ninh Thuận: Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

Cảng biển Dung Quất vẫn chưa đáp ứng đúng kì vọng

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo lập không gian đô thị xanh, thu hút đầu tư

Quảng Ninh: Vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm nỗ lực vượt khó sau bão

Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân

Quảng Ninh: Tiềm năng và thách thức trong thu hút khách du lịch Halal

Hà Nội: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần trợ lực hơn về chính sách

Lai Châu: Kinh tế duy trì đà tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Tỉnh cuối Đồng bằng sông Hồng, sắp khởi công siêu dự án điện khí LNG 2 tỷ USD

Nông dân Quảng Ninh làm giàu từ sản phẩm OCOP

Kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh: 4 ngành công nghiệp trọng điểm được hỗ trợ 100% lãi suất vay

Sóc Trăng: Quyết tâm biến cảng Trần Đề thành trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long