Chủ nhật 22/12/2024 22:16

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

“Làn sóng” điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh, vì vậy cần tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp.

Số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh với nhiều nguyên nhân. Điều này đồng nghĩa sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.

Cần nâng cao năng lực ứng phó trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Xin ông cho biết một số đánh giá về số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh thời gian qua?

Như chúng ta thấy, đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA). Đối với hàng hóa nội địa, mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, quá trình mở cửa, dù theo lộ trình, với các đối tác thương mại lớn có thể làm cho một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao.

Theo số liệu 3 năm gần đây của Bộ Công Thương cho thấy số lượng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh, cụ thể: Tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Riêng trong năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.

Các con số tương tự đến hết năm 2022 là 226 vụ việc điều tra và 17 vụ việc mới; đến hết năm 2023 là 242 vụ và 15 vụ việc mới. Tính đến tháng 6/2024 hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thể mạnh xuất khẩu mà với ngay cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra các gánh nặng về kinh tế, xã hội.

Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam, thiếu thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt...

Bên cạnh đó, có thể có một số doanh nghiệp cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.

Với việc các chính sách bảo hộ thương mại đang được nhiều thị trường áp dụng hiện nay, vậy ông có thể nêu một số những rủi ro, thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam?

Xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại trên thế giới đã và đang là xu hướng tất yếu, phổ biến, phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện ở việc ngày càng nhiều nước tham gia vào WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương...

Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau, kể cả tại một số nền kinh tế lớn, thông qua một số công cụ, trong đó có việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp, nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại của các nước có thể sẽ khiến trong tương lai gần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (như vào Hoa Kỳ) được lợi thế về giá; tuy vậy, có thể thúc đẩy việc lợi dụng và giả mạo xuất xứ Việt Nam, kéo theo việc Việt Nam bị lôi kéo vào cuộc chiến và bị áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam…

Như các vụ kiện chống bán phá giá cá tra-basa, tôm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với thép cuộn, thép chống ăn mòn do Mỹ khởi xướng; chống trợ cấp dây đồng, ống thép không gỉ do Ấn Độ khởi xướng; biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU... khiến Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, ông có thể nêu các khuyến nghị đối với cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước “làn sóng” phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài?

Thời gian qua, theo tôi các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương đã đem lại những kết quả tích cực.

Đặc biệt, đáng chú ý, hệ thống cảnh báo sớm do Bộ Công Thương vận hành đã thường xuyên theo dõi biến động xuất nhập khẩu của gần 200 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, từ đó, đưa ra những cảnh báo cụ thể về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp các ngành sản xuất trong nước có thời gian rà soát lại hoạt động của mình để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các nguy cơ thực sự diễn ra.

Tuy nhiên, để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài.

Trước hết, cần phải tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam; tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện. Đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia; đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu.

Điểm cần nhấn mạnh là Việt Nam cần chú ý chủ động và hài hoà hơn giữa đối phó với các biện pháp phòng vệ thuơng mại quốc tế, với sử dụng hợp lý, hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam đang và sẽ là thành viên, để vừa gia tăng xuất khẩu, vừa bảo vệ các ngành sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập của quốc gia ngày càng sâu rộng, các cơ quan chức năng cũng cần chú ý bồi dưỡng và cập nhật thông tin, kiến thức, nhận thức, ý thức và năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc tăng "sức đề kháng” và sự chủ động đối phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, vượt lên tâm lý ngại kiện, e sợ bị “đơn thương độc mã”… trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Ngoài ra, hiện nay, tham gia vào sân chơi chung của thế giới với những điều khoản rõ ràng và càng lúc càng ngặt nghèo hơn. Bởi vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau, dựa trên yếu tố nền tảng chính là việc tạo dựng doanh nghiệp mạnh nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng, cũng như lợi ích sát sườn của bản thân doanh nghiệp!

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Ngành phân bón tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo

Xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp đừng quên thực hiện trách nhiệm xã hội

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

Bước tiến mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương

TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững

Nâng cao năng lực chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0

Bộ Công Thương phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả

Để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

Tái khởi động điện hạt nhân: Quyết sách chiến lược vì tương lai năng lượng Việt Nam

Vượt qua rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Thúc đẩy tài chính xanh: Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương