Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022: Lý do nhiều doanh nghiệp xin lùi thời hạn
Đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia về việc tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 ngay sau đó đã “vấp” phải kiến nghị lùi áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sang 1/1/2023 (chậm hơn 6 tháng) của 8 hiệp hội ngành hàng, bao gồm: Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.
Các đơn vị này cho rằng, sau 2 năm chèo chống trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Hiện tại, sản xuất đã hoạt động trở lại, nhưng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, chưa kể đến tình trạng hậu Covid, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp…
Doanh nghiệp đồng tình với việc tăng lương nhưng đề nghị lùi thời điểm đến 1/1/2023 |
Thực tế, so với mức lương tối thiểu vùng của lần tăng lương ngày 1/1/2020 (vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng) thì hiện phần lớn doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, nếu cộng cả các khoản phụ cấp hàng tháng, đa số người lao động đã đạt gấp 1,5 đến 2 lần lương tối thiểu vùng – tương đương với mức lương 6,5 -8,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, để cạnh tranh lao động với các doanh nghiệp FDI, không ít doanh nghiệp không chỉ tăng lương mà còn có các chính sách chăm lo đời sống người lao động, cải thiện công nghệ, tăng năng suất, làm thêm ca giúp người lao động có thu nhập trung bình lên tới 9 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.
Vậy tại sao, trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp vẫn không nhất trí, mà đề nghị lùi lại 6 tháng? Trong khi, đời sống của đại bộ phận người lao động đang gặp nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống, sinh hoạt không ngừng “leo thang”.
Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp thì, việc tăng lương tối thiểu vùng là đòi hỏi thích đáng của người lao động, bản thân doanh nghiệp cũng hiểu, doanh nghiệp khó có thể tăng trưởng khi mà đời sống người lao động không được cải thiện.
Tuy nhiên, với mức phí bảo hiểm mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động là 21,5 % lương tối thiểu (cao gấp đôi so với số tiền người lao động phải đóng) và phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… việc tăng lương tối thiểu vùng có thể không tác động lớn đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng với các doanh nghiệp quy mô lớn, số lao động lên tới vài nghìn người, con số chi phí tăng thêm sẽ là không nhỏ.
Chưa kể, khi lương tối thiểu vùng tăng 6% như đề xuất thì những người lao động có mức lương thấp hơn mức tối thiểu vùng sẽ được tăng bằng lương tối thiểu vùng, kéo theo các lao động khác ít nhiều cũng sẽ được tăng lương… phần chi trả phát sinh hàng tháng của doanh nghiệp theo đó cũng tăng lên thấy rõ; tác động ít nhiều đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường - nhất là sau 2 năm đại dịch, doanh nghiệp như người “ốm còn chưa khỏi hẳn”.
Người lao động trông đợi Chính phủ sớm quyết định tăng lương tối thiểu vùng |
Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu cho biết đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022 hoặc đã ký hợp đồng với các đối tác từ đầu năm nên giờ tăng không thể tăng giá bán hàng hoá. Tăng lương tối thiểu vùng vào 1/7/2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, thậm chí liên quan tới sự còn – mất của doanh nghiệp. Thời điểm 1/1/2023 bắt đầu tăng lương tối thiểu vùng được xem là thích hợp hơn vì doanh nghiệp sẽ có thêm 6 tháng để hồi sức.
Ngày 12/4, sau khi chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - kỳ vọng, đây sẽ là thời điểm doanh nghiệp và Chính phủ cùng “nắm tay” nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ vất vả với người lao động. Đề xuất này cũng được người lao động trên cả nước hưởng ứng và chờ đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ.
Tuy nhiên, với kiến nghị của 8 Hiệp hội ngành hàng lên Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023, thay vì tháng 7/2022... thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo đó vẫn tiếp tục được cân nhắc sau 2 năm trì hoãn vì dịch bệnh.