Tăng cường cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS (Ảnh: H.Mai) |
Chủ trì hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS cho thấy, hiện nay, tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo. Ở cấp tỉnh, tổng số cán bộ nữ là 5.814 người, trong đó có 714 người giữ chức vụ lãnh đạo… Đối với cán bộ DTTS, ở cấp Trung ương tổng số cán bộ người DTTS là trên 18 nghìn người trong tổng số gần 366 nghìn cán bộ, công chức, viên chức (chiếm khoảng 5%)…
Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, trong các nhiệm kỳ Ðại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều chỉ đạo, yêu cầu cụ thể về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS đối với các địa phương, từng ngành, từng cấp. Vì thế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ người DTTS từng bước được tăng cường, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; đặc biệt số lượng cán bộ nữ, cán bộ DTTS là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây; nhiều đồng chí được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước… Tuy vậy, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nữ, người dân tộc thiểu số; số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt chưa cao, cơ cấu không đồng đều, nhiều nơi mất cân đối nghiêm trọng; chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc tuy đã được nâng lên nhưng một số cán bộ chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đóng góp ý kiến, phân tích những hạn chế trong công tác cán bộ nữ, cán bộ DTTS và cho rằng, tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu và còn bất cập trong phân công vị trí công tác. Lấy dẫn chứng một số tỉnh có tỷ lệ cán bộ DTTS rất thấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết: qua điều tra, rà soát, nguyên nhân không phải thiếu nguồn cán bộ DTTS mà do người DTTS thi tuyển công chức, viên chức rất khó khăn.
Từ tình hình thực tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề xuất thêm các giải pháp: Tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục, truyền cảm hứng để người DTTS tự thân, nỗ lực học tập, rèn luyện phấn đấu để trưởng thành, chống tư tưởng hay kêu ca phàn nàn, tự ti, trông chờ ỷ lại vào nhà nước; xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức, sinh viên người DTTS tốt nghiệp Đại học công tác tại cơ quan đặc thù vùng DTTS và miền núi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến, giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận rõ việc một số bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo là người DTTS. Cấp tỉnh, huyện có từ 30% dân số trở lên là người DTTS, cần quy định rõ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND… phải đạt tỷ lệ cán bộ DTTS hợp lý, nếu không đạt tỷ lệ thì không phê duyệt quy hoạch, không phê duyệt Ðề án nhân sự Đại hội; đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa vào kết luận các nhóm cán bộ: lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở, cấp phòng và tương đương ở vùng DTTS và miền núi và cán bộ ở một số bộ, ngành giữ vị trí chủ chốt, đặc biệt là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến vốn, dự án phải được bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc trước khi làm nhiệm vụ; xây dựng Ðề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ DTTS tốt nghiệp đại học rèn luyện trong thực tiễn ở cấp xã để bổ sung cán bộ làm công tác dân tộc…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Công tác cán bộ nữ, cán bộ DTTS là trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội, các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu bình đẳng giới; có những chương trình kế hoạch về đào tạo, sử dụng; lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện cho họ nhiều hơn. |