Cách xác định xuất xứ hàng hóa
Thông tư quy định, hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên, bao gồm: Khoáng sảng khai thác từ lòng đất hoặc đáy biển của nước thành viên; cây trồng và sản phẩm cây trồng được trồng và thu hoạch, hoặc thu lượm tại nước thành viên; động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên; sản phẩm của động vật sống được nuôi dưỡng tại nước thành viên; sản phẩm thu được từ giết mổ động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên…
Hàng hóa được coi là có xuất xứ tại các nước thành viên khi được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ tại các nước thành viên |
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm thông tư.
Như vậy, hàng hóa được coi là có xuất xứ tại các nước thành viên xuất khẩu khi được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ tại các nước thành viên khác hoặc tại EU, với điều kiện công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại nước thành viên xuất khẩu vượt quá công đoạn gia công, chế biến đơn giản.
Đặc biệt theo Thông tư này, nguyên liệu có xuất xứ từ một nước ASEAN đã ký hiệp định thương mại với Vương Quốc Anh phù hợp với quy định tại Điều XXIV của GATT 1994 sẽ được coi như nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam khi tham gia vào quá trình gia công hoặc sản xuất sản phẩm mực nang và mực ống đã chế biến hoặc bảo quản, bạch tuộc đã chế biến hoặc bảo quản.
Hàng hóa không thay đổi xuất xứ
Thông tư quy định, hàng hóa khai báo nhập khẩu vào nước thành viên được coi là giữ nguyên xuất xứ ban đầu với điều kiện hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc lưu kho không bị thay đổi hoặc trải qua công đoạn gia công làm thay đổi hàng hóa, ngoại trừ các công đoạn: Bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt; thêm vào hoặc dán nhãn, nhãn hiệu, dấu niêm phong hoặc tài liệu khác nhằm đảm bảo tuân thủ quy định cụ thể của nước thành viên nhập khẩu. Tuy nhiên, các công đoạn này phải được thực hiện dưới sự giám sát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ hàng hóa trước khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa.
Trong trường hợp nghi ngờ hàng hóa bị thay đổi xuất xứ, nước nhập khẩu sẽ yêu cầu người khai hải quan cung cấp bằng chứng của việc tuân thủ, dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm: Chứng từ vận tải như vận tải đơn; chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng; chứng từ liên quan đến hàng hóa; giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng cung cấp hoặc bất kỳ chứng từ chứng minh hàng hóa nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng.
Trường hợp hàng hóa có xuất xứ gửi đi triển lãm tại nước không phải thành viên của UKVFTA và được bán sau khi triển lãm, sau đó nhập khẩu vào nước thành viên, hàng hóa được hưởng ưu đãi tại thời điểm nhập khẩu theo quy định của UKVFTA với điều kiện chứng minh được với cơ quan hải quan nước nhập khẩu: Nhà xuất khẩu gửi hàng hóa đó từ lãnh thổ nước thành viên xuất khẩu tới nước tổ chức triển lãm và đã tham gia triển lãm tại đó; nhà xuất khẩu bán hoặc chuyển nhượng hàng hóa do người nhận hàng tại nước thành viên nhập khẩu; hàng hóa được vận chuyển đến nước thành viên nhập khẩu trong quá trình triển lãm hoặc ngay sau khi kết thúc triển lãm và vẫn giữ nguyên trạng khi được gửi đi triển lãm; hàng hóa không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích triển lãm từ khi được vận chuyển đến triển lãm.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.
Thông tư cũng quy định, hàng hóa được miễn chứng từ chứng nhận XXHH nếu được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch thì được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận XXHH. |