Tận dụng Hiệp định RCEP - 'dọn đường' cho dệt may bứt phá
Cú hích cho xuất khẩu dệt may
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Hiện tất cả thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Tuy nhiên, RCEP mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may khi xuất khẩu đến một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Đức Vũ |
Theo Hiệp định RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.
Cụ thể, với hàng dệt may, trong khi các FTA trước đó giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn, nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan. Với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tham gia RCEP, Việt Nam có thêm một thị trường có tính chiến lược ở khu vực châu Á. Dệt may Việt Nam cũng sẽ tận dụng được 3 lợi ích lớn: Chi phí vận chuyển trong khối sẽ giảm hơn rất nhiều so với việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ hoặc các thị trường trong khối EU; giúp doanh nghiệp thích ứng về nguồn cung nguyên phụ liệu, tạo ra khoảng thị trường rộng lớn; văn hóa tương đồng giữa các nước sẽ tạo động lực thu hút đầu tư trong khối.
Bài toán liên kết trong ngành dệt may để tận dụng FTA
Hiện, dệt may đang là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, dệt may giữ vị trí thứ tư trong nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước, kim ngạch đạt 30,572 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để những ưu đãi mà các FTA nói chung và RCEP nói riêng mang lại.
Tại TP. Đà Nẵng, ngành dệt may đang chiếm khoảng 26% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của địa phương, với 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, chỉ khoảng 10 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu ổn định. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đà Nẵng đạt 484 triệu USD, giảm 10,3% so với năm trước đó. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2024, con số này đã tăng lên 426 triệu USD, chiếm 26,7% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng của ngành dệt may Đà Nẵng là mạng lưới xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các đối tác chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để làm việc với doanh nghiệp về tận dụng các FTA thế hệ mới, lắng nghe khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp dệt may.
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may tại đây vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai như hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối giao thương nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Dẫu vậy, để phát triển bền vững, ngành dệt may vẫn cần một chiến lược dài hạn và một hệ sinh thái đủ mạnh để tận dụng tối đa các ưu đãi FTA.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, 5 vấn đề chính của ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải đó là: Nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu.
Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, ông Khanh cho rằng, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
"Hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực dệt may sẽ kết nối các cơ quan quản lý trung ương, cơ quan quản lý địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, các tổ chức tín dụng và các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA nói chung và RCEP nói riêng. Đặc biệt, đối với ngành dệt may là kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu", ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.