Thứ sáu 08/11/2024 21:31

Tái cơ cấu công nghiệp giai đoạn 2021-2025: Tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo

Tái cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã đi vào thực chất, đúng hướng. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao đã tăng lên, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng, trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên mức 25%.

Chuyển dịch đúng hướng

Trong giai đoạn 2026-2020, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng từ 13,4% năm 2016 lên khoảng 16,58% năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng đã giảm từ 8,1% năm 2016 xuống còn 6,0% năm 2020.

Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường. Một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh tốt, chẳng hạn như Tập đoàn VinGroup, Trường Hải… (trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô), Vinamilk, TH True Milk (lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm), Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty thép Pomina… (lĩnh vực sắt thép, kim khí).

Sản xuất phôi thép. Ảnh NQ

Công nghiệp hỗ trợ đã từng bước phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và giá trị gia tăng. Năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu đã tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm đã tăng từ 63,9% năm 2016 lên 77,7% năm 2019. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên vị trí 42 vào năm 2019 theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Tuy nhiên, đánh giá của Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng khóa XII, tại Đại hội XIII, cho thấy, phát triển công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mới chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Sản xuất công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm; nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm công nghiệp còn thấp, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản vẫn còn kém phát triển, nhất là ở các khâu bảo quản và chế biến sâu.

Tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo

Từ thực tiễn nêu trên, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đã đặt ra mục tiêu phấn đấu, trong giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức đạt trên 25%. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện là, tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp, theo hướng:

Phát triển được một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như thông tin và viễn thông; điện tử; trí tuệ nhân tạo; sản xuất robot; ô tô; công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô; công nghệ sinh học; điện tử y sinh; sản xuất phần mềm; sản phẩm số; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Hình thành thí điểm một số mô hình cụm liên kết trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan toả; đồng thời, xử lý quyết liệt các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, trong đó chú trọng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, chế biến sâu, hình thành các chuỗi giá trị.

Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (nhất là các tập đoàn đa quốc gia) với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp. Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Phát triển một số doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Kết nối giao thương giữa Hiệp hội ô tô Berlin - Brandenburg và doanh nghiệp

Cà Mau: Hoạt động kinh tế 10 tháng đầu năm ghi nhận nhiều điểm sáng

Tháng 10, sản xuất công nghiệp tăng ở 59 địa phương trên cả nước

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Bộ Công Thương: Phổ biến quy chuẩn sản xuất, kinh doanh hóa chất với cơ quan quản lý, doanh nghiệp

Bình Thuận: Sở Công Thương hỗ trợ gỡ khó cho cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu

Cải tiến mẫu mã để tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Ngành chế biến, chế tạo đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp 10 tháng của Nam Định

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh

PMI Việt Nam tăng trưởng trở lại, tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp tăng tốc cuối năm

TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp thiết lập hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội

Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành nam châm vĩnh cửu, đất hiếm

Cần cơ chế đột phá phát triển ngành công nghiệp hoá dược

igus® mang đến giải pháp bền vững cho phòng sạch và tự động hóa tại triển lãm VIMF Bắc Ninh 2024

Đoàn doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại HANSSIP

Để lĩnh vực hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch