Thứ sáu 22/11/2024 01:05

Sớm tìm giải pháp để “Kho báu” mỏ đất hiếm Đông Pao toả sáng

Mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu) có trữ lượng lớn nhất Việt Nam đã được cấp phép gần 10 năm nhưng chưa thể khai thác vì nhiều nguyên nhân.

Mỏ đất hiếm Đông Pao- loay hoay gần 10 năm chưa khai thác

Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm với tổng diện tích 2.779,4ha; tổng trữ lượng, tài nguyên tính được là trên 13,3triệu tấn TR2O3 gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe) và xã Bản Lang (huyện Phong Thổ). Tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 21 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện tại việc khai thác, chế biến đất hiếm đang gặp khó khăn.

Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn gần 10 năm cấp phép nhưng chưa thể khai thác

Được biết, mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, nằm cách thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khoảng 10 km. Để quản lý, cơ quan chức năng ký hiệu bốn khu vực đồi dựa trên trữ lượng, khu lớn nhất 60 ha, nhỏ nhất 8,7 ha.

Với trữ lượng đất hiếm lớn nhất Việt Nam, Mỏ đất hiếm Đông Pao thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên để có thể lựa chọn được đối tác phù hợp, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico, thì cũng rất cần các chủ trương, chính sách hỗ trợ với tầm nhìn dài hạn của Chính phủ, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Khoáng sản tạo các cơ chế linh hoạt, hợp lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Công ty cũng như cho các doanh nghiệp đối tác có đủ năng lực về công nghệ, về vốn có nhu cầu hợp tác khai thác chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao.

Đến tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Lý do mỏ này có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác ngay theo quy mô công nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu, mặc dù dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 2096/QĐ-BTNMT ngày 3/12/2012.

Tuy nhiên, đến nay Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường để phục vụ giai đoạn khai thác, chế biến được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoặc cấp giấy phép môi trường.

Lý giải nghịch lý được cấp phép, nhưng không thể khai thác, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu cho hay, từ năm 2016 đối tác Nhật Bản nắm công nghệ bản quyền đã rút khỏi liên danh. Công ty chỉ có thể chế biến sâu đất hiếm đạt 40% trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu của Bộ Công Thương là 95% và yêu cầu của Chính phủkhông được bán đất hiếm dạng thô.

Những năm qua, công ty đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để có thể khai thác. Tuy nhiên, các nỗ lực đều không thành công do đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ. Bên cạnh đó các đơn vị trong nước đến làm việc thì kết quả chế biến mới thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Nhưng để có thể khai thác được cần đầu tư quá trình thử nghiệm tốn nhiều chi phí.

Cuối năm 2022, theo chương trình phối hợp của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Lai Châu dự kiến ký biên bản ghi nhớ hợp tác khai thác đất hiếm với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam. Tuy nhiên, việc ký kết bị hủy vào phút chót do không thống nhất được điều khoản chuyển giao công nghệ.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Lai Châu nhìn nhận, mỏ đất hiếm Đông Pao nếu không được khai thác sẽ rất lãng phí và tác động đến vấn đề môi trường.

Trong khi đó, cách mỏ Đông Pao hơn 400 km, tại khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam, mỗi tháng Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam phải nhập khẩu hàng tấn đất hiếm đã qua sơ chế từ các nước như Nga, Australia để tiếp tục phân tách ra 17 nguyên tố phục vụ lắp ráp các thiết bị công nghệ cao.

Nhà máy sản xuất được xây dựng trên quy mô 3 ha đất, kinh phí hơn 100 triệu USD, gồm nhiều phân xưởng, phân tách quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, do vẫn phải nhập khẩu đất hiếm nên công ty chưa bao giờ hoạt động hết công suất.

“Gỡ” rào cản cho ngành công nghiệp đất hiếm

Các chuyên gia về ngành Địa chất và Khoáng sản cho rằng, rất đáng tiếc khi chưa khai thác đất hiếm đúng với tiềm năng. Sở dĩ đất hiếm hiện nay có giá trị cao vì với điều kiện công nghệ và bài toán kinh tế thì người ta chỉ khai thác đất hiếm ở các mỏ lớn, có thể triển khai theo quy mô công nghiệp nên số mỏ như vậy sẽ ít. Tương lai không thể loại trừ có thể khai thác các kim loại đất hiếm ở những vị trí nhỏ hơn dẫn tới nguồn cung lớn hơn và giá trị đất hiếm giảm dần.

Ngoài ra hiện nay nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN cũng đang đẩy mạnh việc khai thác đất hiếm. Điều này đồng nghĩa nguồn cung sẽ dồi dào hơn, giá thành giảm. Một yếu tố nữa khiến chúng ta không nên chần chừ khai thác đất hiếm là mặc dù chưa tìm ra nguyên liệu thay thế, các nước đi đầu đang đẩy mạnh nghiên cứu vật liệu khác để tránh phụ thuộc vào đất hiếm.

Thực tế, đất hiếm thực sự hiếm bởi sự tuyển luyện, chiết tách từ quặng đất hiếm ra các kim loại có giá trị phục vụ nhiều ngành kinh tế như chế tạo nam châm, tuabin điện gió, xe điện, xử lý môi trường, quốc phòng, công nghệ cao.

Là quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam có lợi thế chiến lược trong việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Việc đưa chủ trương xây dựng công nghiệp khai thác chế biến đất hiếm thành ngành công nghiệp chủ đạo theo tinh thần của Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tế đang là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản nước ta.

Kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong trong việc sử dụng, khai thác và chế biến đất hiếm như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản (những quốc gia này đều bắt đầu xây dựng và phát triển nền công nghiệp đất hiếm từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước) cho thấy công nghiệp khai thác chế biến đất hiếm không thể hình thành và xây dựng trong một sớm một chiều, đồng thời đòi hỏi rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Cũng cần thấy rằng việc Việt Nam xếp trong top các quốc gia có tiềm năng đất hiếm trên thế giới không quan trọng bằng việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm trong nước vì lượng đất hiếm tiêu thụ toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 300.000 tấn, không nhiều. Nhưng giá trị kinh tế đất hiếm đem lại sẽ rất lớn nên nếu Việt Nam tập trung khai thác và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm sẽ trở thành đối thủ rất lớn trên thị trường thế giới.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt về "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", theo đó dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Theo Quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Đối với nguồn đất hiếm riêng rẽ, Chính phủ định hướng sẽ xây dựng các dự án chiết tách, chế biến tại Lai Châu và Lào Cai, công suất 20.000-60.000 tấn/năm. Hai địa phương này cũng sẽ có 3 dự án thủy luyện chế biến đất hiếm.

Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: Lai Châu

Tin cùng chuyên mục

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Bài 4

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 3

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 2

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 1

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu