Sớm tháo gỡ khó khăn cho người trồng bưởi ở xã Phú Kim
Thế nhưng, cùng với sự lớn mạnh của các mô hình trồng bưởi, hiện nay người dân cũng gặp phải không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch bưởi.
Về xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội những ngày đầu tháng 5, ngắm nhìn những con đường bê tông rộng thênh thang tỏa đi khắp xã ngập tràn sắc hoa, những mô hình trồng bưởi, cam phủ xanh đồng ruộng, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế… được xây dựng khang trang, chúng tôi cảm nhận rõ nét thanh bình của một vùng quê trù phú.
Những năm qua, toàn xã đã tiến hành dồn ghép được hơn 200ha đất nông nghiệp, tạo tiền đề để xây dựng, triển khai chuyển đổi 153 mô hình sản xuất từ đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Trong đó, đáng chú ý là mô hình trồng bưởi Diễn ở thôn Thúy Lai. Toàn xã có 48ha cây ăn quả chủ yếu là bưởi, chuối, ổi, cam... Trong đó có gần 30ha trồng bưởi, đem lại thu nhập trung bình trên 420 triệu đồng/ha/năm.
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, trước kia do trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên hầu hết người dân bỏ ruộng hoang hoá đi làm ăn xa. Nhưng từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, đất đai được tập trung, đường giao thông, kênh mương nội đồng được mở rộng, tạo điều kiện cho việc quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Năm 2017, nhờ thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, bốn thửa ruộng có vị trí cách xa nhau của các thành viên trong gia đình chị Nguyễn Minh Huệ ở thôn Thuý Lai đã được dồn lại thành một thửa. Sau khi dồn điền, đường vào tận ruộng rộng rãi, chị Huệ đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư xây dựng mô hình trồng bưởi đường chín sớm kết hợp với chăn nuôi. Sau gần 5 năm, mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuộc sống gia đình chị Huệ trở nên khấm khá hơn. Chị Huệ trồng bưởi theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng thuốc sâu, phân bón hoá học nên sản phẩm không lo về đầu ra. Vụ thu hoạch, nhà buôn đến tận nơi thu mua với giá cao.
Chị Huệ cho biết: “Từ khi đất đai được tập trung thành mảnh lớn, máy móc vào tận ruộng, sản xuất thuận tiện dễ dàng hơn. Gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa chuyển sang trồng bưởi. Sau một thời gian bưởi đã cho thu hoạch, gia đình tôi có được thu nhập ổn định, các thành viên trong gia đình không còn phải đi làm ăn xa nữa”.
Vườn bưởi tại xã Phú Kim |
Còn ông Nguyễn Đắc Lập, người dân thôn Thúy Lai chia sẻ: “Sau khi dồn điền đổi thửa, nhà tôi trồng 2 mẫu bưởi Diễn. Năm vừa rồi, bưởi đã cho thu hoạch lứa thứ 2. Sau mỗi vụ thu nhập từ trồng bưởi sẽ lại cao hơn. Tuy chưa nhiều, nhưng so với trồng lúa thì cao hơn và cũng đỡ vất vả hơn. Có thu nhập từ trồng bưởi, tôi tiếp tục đầu tư làm đường nội vườn, xây tường bao, cổng, lắp hệ thống đèn để tiện chăm sóc, trông nom”.
Thế nhưng, cùng với sự lớn mạnh của nhưng mô hình trồng bưởi, chị Huệ, ông Lập và những người trồng bưởi cũng đang gặp phải một số khó khăn chưa thể tháo gỡ. Chỉ vài tháng nữa thôi, gần 30ha đất trồng bưởi của người dân xã Phú Kim sẽ đến mùa thu hoạch. Người trồng bưởi khi đó sẽ phải ngủ lại vườn có khi đến vài tháng để trông coi, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân muốn dựng một căn lán tạm tại vườn để tiện cho việc trông coi và thu gom bưởi vẫn chưa được chính quyền địa phương chấp thuận.
Ông Nguyễn Đắc Lập cho Biết: “Chúng tôi rất muốn dựng một căn lán tạm diện tích chỉ khoảng hơn 10m2 để trông coi tài sản, thu gom bưởi khi đến vụ thu hoạch. Bên cạnh đó căn lán tạm còn có thể giúp chúng tôi cất, trữ phân bón, phương tiện lao động hằng ngày… Người dân chúng tôi rất mong chính quyền địa phương đáp ứng nguyện vọng này. Nếu được cho phép dựng lán tạm, khi chính quyền địa phương yêu cầu, chúng tôi sẽ tự nguyện tháo dỡ”. Đa số những người trồng bưởi ở xã Phú Kim mà chúng tôi trò chuyện đều có chung mong muốn như ông Lập.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phú Kim cho biết: “Căn cứ theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã kiểm tra rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hàng năm; tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Thực hiện Nghị quyết 149-NQ/HU của huyện ủy về quản lý đất đai, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch trên địa bàn xã".
"Đối với những kiến nghị của người dân, chúng tôi đã xem xét và thấy phù hợp. Tuy nhiên, vì vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND xã nên chúng tôi đã thống nhất đề xuất, xin ý kiến của UBND huyện Thạch Thất. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định”, ông Nguyễn Đức Cường cho biết thêm.